Cả thị trường vàng lẫn chứng khoán Mỹ đều có một phiên tăng trưởng mạnh sau báo cáo lạm phát tháng 6 của Mỹ. Sắc xanh bao phủ thị trường. Các chỉ số chứng khoán chính đều tăng, với Nasdaq thiên về công nghệ ghi nhận mức tăng 158,26 điểm, tương đương 1,15%.
Kết thúc phiên 12/7 (theo giờ Mỹ), giá của mỗi ounce vàng trên sàn New York có thêm 25,1 điểm, đạt 1.957,3 USD. Giá dầu Brent cũng tăng vọt lên xuyên thủng ngưỡng 80 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong hơn 2 tháng.
Trong khi đó, USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - rơi xuống 100,31 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Đồng bạc xanh cũng giảm mạnh so với euro, yen và bảng Anh.
Tin vui với Fed
Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Mỹ chỉ tăng 3% so với một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, thậm chí thấp hơn ước tính 3,1% của các chuyên gia được Dow Jones khảo sát.
So với tháng 5, CPI tại Mỹ nhích nhẹ 0,2%, thấp hơn dự báo là 0,3%.
Theo giới quan sát, với những dữ liệu mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thở phào. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái nhằm hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và kìm hãm lạm phát.
"Đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lạm phát. Báo cáo ngày hôm nay là một lời xác nhận rằng cuối cùng, lạm phát cũng đang hạ nhiệt", ông George Mateyo, Giám đốc đầu tư của Key Private Bank, nhận định.
Trên thực tế, báo cáo lạm phát mới nhất khó có thể thay đổi hướng đi của ngân hàng trung ương Mỹ. Theo giới quan sát, Fed chỉ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 để theo dõi tác động của các đợt nâng này đối với nền kinh tế và lạm phát. Tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ thường có độ trễ từ 3 đến 5 quý.
Đa số nhà đầu tư vẫn tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trở lại trong cuộc họp chính sách tháng 7. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang định giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 92,4%. Trong khi đó, kịch bản ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất chỉ được định giá là 7,6%.
Lo ngại giảm bớt
Dù vậy, các nhà đầu tư đã bớt bi quan hơn về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa trong năm nay.
Theo công cụ FedWatch, các nhà đầu tư đang định giá khả năng lãi suất điều hành ở mức 5,25-5% vào cuối năm nay là 63,7%, tăng lên từ 46,1% cách đây một tuần. Theo kịch bản này, Fed chỉ cần tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Khả năng Fed tăng lãi suất thêm 2 lần nữa lên 5,5-5,75% đã giảm từ 35,9% xuống 12,9% cùng kỳ.
Khả năng lãi suất tăng lên 5,75-6%, tức trải qua 3 lần tăng nữa, đã giảm từ 7,7% xuống 0,6%. Trong khi đó, khả năng lãi suất điều hành được giữ nguyên ở mức hiện tại (5-5,25%) là 21,4%, tăng từ 9,8% cách đây một tuần.
Trong những ngày qua, các quan chức Fed liên tục đưa ra những bình luận "diều hâu". Kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa trong năm nay đã được thể hiện trên thị giá. Do đó, ngay sau báo cáo lạm phát mới nhất, cả chứng khoán lẫn các thị trường hàng hóa như vàng và dầu đều tăng vọt.
Dĩ nhiên, các nhà đầu tư vẫn có lý do để lo lắng. Theo ông Kokou Agbo-Bloua - chuyên gia kinh tế học hàng đầu của Societe Generela, thị trường lao động của Mỹ đến nay còn rất mạnh mẽ, bất chấp những đợt tăng lãi suất điều hành liên tiếp của Fed.
Do đó, theo ông, độ trễ của các chính sách thắt chặt có thể được kéo dài hơn. "Vì vậy, với sự quyết liệt trong việc kìm hãm lạm phát, Fed sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất điều hành cho đến khi đẩy nền kinh tế vào suy thoái", ông Agbo-Bloua lập luận.
"Các ngân hàng trung ương cần kích hoạt một cuộc suy thoái, chấp nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên và phá hủy nhu cầu ở một mức cần thiết. Nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó", vị chuyên gia nhận xét.