Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dựa vào các dữ liệu về lạm phát để quyết định động thái lãi suất tiếp theo. Giới đầu tư hy vọng ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Các dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ sẽ được công bố hôm 13/12. Nếu áp lực giá cả giảm bớt, FOMC - cơ quan điều hành chính sách của Fed - có thể giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,5 điểm phần trăm.
USD nhích tăng, vàng giảm
Phố Wall đang nín thở chờ các dữ liệu sắp được công bố. Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 13/12 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác - trồi sụt mạnh trong vòng 24 giờ qua.
Chỉ số này tuột khỏi ngưỡng 105 điểm xuống 104,67 điểm, rồi nhanh chóng phục hồi lên 105,2 điểm trước khi điều chỉnh giảm nhẹ về 105 điểm.
Chỉ số USD liên tục biến động khiến tỷ giá EUR/USD và GBP/USD trồi sụt theo. Euro hiện giảm nhẹ về 1,053 USD đổi 1 euro. Còn bảng Anh được giao dịch ở mức 1,226 USD đổi 1 bảng Anh.
Chỉ số USD đi lên khiến giá vàng giảm nhẹ. Trong phiên giao dịch ngày 12/12 trên sàn New York, giá của mỗi ounce vàng mất 16,1 USD còn 1.781,8 USD.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng nhẹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 528,58 điểm, tương đương 1,58%, lên 34.005. Còn chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1,43% và 1,26%.
Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed hỗ trợ đồng bạc xanh. Bởi điều này thúc đẩy giới đầu tư mua vào những tài sản của Mỹ vì lợi suất ngày càng hấp dẫn. Để thực hiện các giao dịch, họ buộc phải mua USD.
Nhưng lãi suất quỹ liên bang Mỹ tăng cao sẽ đè nặng lên thị trường chứng khoán, tiền mã hóa và các thị trường hàng hóa như vàng và dầu. Bởi chúng làm chi phí vốn và chi phí cơ hội của những khoản đầu tư này tăng lên. Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư do đó cũng giảm theo.
Khi sức mua của đồng bạc xanh tăng lên, số USD cần thiết để mua vàng hay dầu cũng giảm xuống.
Những tín hiệu trái chiều
Trong bài phát biểu hôm 30/11, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12.
Ông Powell lưu ý rằng các động thái như tăng lãi suất và hạ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng. Do đó, ông khẳng định việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất là hợp lý.
Theo dữ liệu của CME Group vào tuần trước, thị trường định giá khoảng 80% khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Nhưng các dữ liệu gần nhất của Mỹ đang nói lên câu chuyện ngược lại. Một số dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay, và duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn để kìm hãm lạm phát.
Theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,3% so với một tháng trước đó, cao hơn mức dự báo 0,2% của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát.
Trong tháng 11, tổng số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ vẫn tăng 263.000 việc làm, vượt mức ước tính 200.000 việc làm của Dow Jones. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao gấp đôi ước tính.
Tiền lương của người Mỹ cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo 4,6%. CNBC nhận định đây là đòn giáng mạnh vào nỗ lực chống lạm phát của Fed.