Các thị trường trồi sụt dữ dội trước cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 1/2 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ, giá dầu Brent đã tăng vọt từ hơn 83 USD/thùng lên gần 86 USD/thùng.
Còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ tăng từ dưới 77 USD/thùng lên sát ngưỡng 80 USD/thùng. Giá dầu bước vào đợt điều chỉnh giảm ngắn từ cuối tuần trước, rồi nhanh chóng trở lại đà tăng trước thềm cuộc họp của Fed.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra với thị trường vàng. Tuần qua, giá vàng đã giảm mạnh từ gần 1.950 USD/ounce - mức cao nhất 9 tháng - xuống sát ngưỡng 1.900 USD/ounce, rồi phục hồi về 1.925,9 USD/ounce.
Phố Wall nóng lòng
Trong vòng 24 giờ qua, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - giảm mạnh từ hơn 102,6 điểm xuống 101,91 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích 1,09%, tức tăng 368,95 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq có thêm lần lượt 58,83 điểm (+1,46%) và 190,74 điểm (+1,67%).
Đến nay, các thị trường gần như hoàn toàn tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp sắp tới, và duy trì tốc độ này trong cuộc họp tháng 3.
Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất điều hành tổng cộng 4,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất 15 năm.
Các dữ liệu về lạm phát đang phát đi những tín hiệu tích cực. Lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép Fed nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tại Mỹ - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tăng 4,4% so với một năm trước đó, giảm từ 4,7% của tháng 11. Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Giọng điệu của Fed
Ngay cả khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất như dự báo, câu hỏi đặt ra là ngân hàng trung ương Mỹ có còn tuyên bố sẽ "tăng lãi suất liên tục" hay không.
"Nếu hạ giọng, Fed có thể đang gửi tín hiệu rằng mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng sẽ thấp hơn dự báo trước đó, hoặc lãi suất sắp đạt đỉnh", ông Michael Gapen - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế Mỹ của Bank of America - bình luận.
"Nếu hạ giọng, Fed có thể đang gửi tín hiệu rằng mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất sẽ thấp hơn dự báo trước đó, hoặc lãi suất sắp đạt đỉnh
Ông Michael Gapen - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế Mỹ của Bank of America
"Tôi không cho rằng họ muốn truyền đạt điều đó", vị chuyên gia nói thêm.
Thay vào đó, các quan chức Fed có khả năng dùng những từ ngữ khác, chẳng hạn "các đợt tăng lãi suất khác" trong phạm vi phù hợp. Điều này có thể được hiểu là một hoặc nhiều lần tăng lãi suất nữa.
Trong nhiều tháng qua, các quan chức Fed liên tục nhấn mạnh về việc duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian.
Việc lặp lại tuyên bố này sẽ gửi thông điệp dầu hâu tới thị trường, và xóa tan mọi hy vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.
Hơn nữa, việc giữ lãi suất ở mức cao sẽ cho phép Fed tiếp tục thắt chặt chính sách một cách kín đáo. Bởi theo chuyên gia Ellen Zentner - nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley, lãi suất thực tế vẫn tăng cao nếu lạm phát đi xuống, ngay cả khi Fed dừng tăng lãi suất.