Theo CNN, Phố Wall đang ngồi trên đống lửa trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra trong tuần này. Suốt nhiều tuần qua, các nhà đầu tư đã chờ đợi thông tin từ FED về việc nâng lãi suất.
Chứng khoán Mỹ đã ghi nhận 4 tuần giảm điểm trong vòng 5 tuần qua. Trong phiên giao dịch ngày 20/9, thị trường liên tục trồi sụt rồi ghi nhận mức tăng nhẹ vào cuối phiên.
Thị trường chia rẽ
Các quan chức FED sẽ công bố về việc nâng lãi suất vào lúc 2h chiều ngày 21/9 (theo giờ địa phương). Chủ tịch FED Jerome Powell có cuộc họp báo sau đó 30 phút.
Giới quan sát tin rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, hay 75 điểm cơ bản, lần thứ 3 liên tiếp. Nhưng một số nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất 1 điểm phần trăm để đối phó với lạm phát dai dẳng.
Theo công cụ theo dõi của CME, tính đến ngày 20/9, 16% nhà đầu tư tin rằng FED sẽ nâng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Phố Wall cũng đang chia rẽ về việc liệu FED có tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay vào tháng 11 hay không. Ở chiều ngược lại, ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng nhẹ tay hơn nếu lạm phát hạ nhiệt.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng vượt dự kiến trong tháng 8. Tuy nhiên, giá năng lượng và giá xe đã qua sử dụng đều lao dốc. Đây được xem là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái nếu FED quá mạnh tay trong việc nâng lãi suất. Nhưng nếu ngân hàng trung ương Mỹ không tăng đủ nhiều, Mỹ sẽ đối mặt với vòng xoáy lạm phát. Và trong kịch bản này, một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi.
"Khi lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt có thể kìm hãm lạm phát. Dĩ nhiên, chúng sẽ làm tổn thương các hộ gia đình và doanh nghiệp", ông Powell thừa nhận trong một cuộc họp vào cuối tháng 8.
"Đó là cái giá không mong muốn cho việc hạ nhiệt lạm phát. Nhưng nếu không thể bình ổn giá, vết thương sẽ còn lớn hơn nhiều", ông nói thêm.
Bài toán khó giải
"Nhìn chung, ông Powell đang muốn nhấn mạnh rằng kể từ giờ, việc đối phó với lạm phát quan trọng hơn hỗ trợ tăng trưởng", ông Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial, bình luận.
Theo nhà báo Paul R. La Monica, thị trường sẽ luôn biến động dù kịch bản nào xảy ra.
Hôm 19/9, trong cuộc phỏng vấn với CBS, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định "chúng ta sẽ kiểm soát được lạm phát". Ông cũng liệt kê các thành tựu của chính quyền mình trên thị trường lao động và những khoản đầu tư vào ngành bán dẫn.
Khi làm giảm nhu cầu thông qua nâng lãi suất, FED chỉ có thể tác động tới một vế của phương trình
Nhà báo Allison Morrow của CNN
Tuy nhiên, nhà báo Allison Morrow của CNN có cái nhìn kém lạc quan hơn. Theo bà, không dễ dàng để Nhà Trắng và FED giải quyết các vấn đề dẫn tới lạm phát. Đó là tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, xung đột Nga - Ukraine, những đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc và nỗ lực nâng tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ.
Khi làm giảm nhu cầu thông qua nâng lãi suất, FED chỉ có thể tác động tới một vế của phương trình. "Tổng thống có thể bôi trơn chuỗi cung ứng, nhưng không thể giải quyết mọi vấn đề", bà bình luận.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào tuần trước, ông Raj Subramaniam - Giám đốc điều hành FedEx - cho rằng "thế giới đang bước vào một cuộc suy thoái". Bình luận khiến các nhà đầu tư hoảng loạn và kích hoạt một đợt bán tháo.
Trong phiên cuối tuần trước, giá cổ phiếu FedEx lao dốc 21%, mức giảm trong một ngày lớn nhất của công ty. Sự sụt giảm của cổ phiếu FedEx có thể là khởi đầu của những tin tức xấu hơn trong tháng 10. Đây là thời điểm nhiều công ty công bố báo cáo thu nhập quý III.