Phong cách công nghiệp (Industrial) gây ấn tượng với giới trẻ nhờ vẻ đẹp cá tính cùng sự thô ráp của những vật liệu mộc. Kiểu nội thất này rất phù hợp với những chủ nhà có tâm hồn phóng khoáng, thích sự phá cách và muốn kết hợp cả nét hoài cổ lẫn hiện đại trong không gian sống.
Dưới đây, Living etc sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về phong cách nội thất thịnh hành này.
Định nghĩa
Trong lĩnh vực nội thất, thuật ngữ "công nghiệp" thường được sử dụng để mô tả các căn phòng có tường gạch, bóng đèn sợi đốt và sàn bê tông.
Richard Atkins, Giám đốc công ty kiến trúc DesignSpace (London), giải thích nội thất kiểu công nghiệp sử dụng các vật liệu và chi tiết thường được tìm thấy ở nhà máy hoặc nhà kho. Các vật liệu này thường có vẻ ngoài thô ráp, không được đánh bóng và có vẻ không giống đồ dùng trong nhà.
Còn Sabina Miller, quản lý bán hàng của chuỗi nội thất Heal’s (Anh), cho rằng phong cách công nghiệp được đặc trưng bởi cấu trúc bên trong của tòa nhà, vật liệu xây dựng và các không gian mở tạo cảm giác thô sơ.
Bên cạnh đó, thiết kế này tập trung vào công năng hơn hình thức, đồng thời làm nổi bật đặc điểm của các vật liệu được sử dụng cho phần khung của tòa nhà, Anamaria Paraoaru, người sáng lập công ty kiến trúc The Thames Studio (Anh) cho hay.
Nguồn gốc
Phong cách công nghiệp được lấy cảm hứng từ những nhà máy của thế kỷ 19 và 20. Những công trình này được xây từ các vật liệu như sắt, bê tông và gạch, có không gian rộng rãi, gọn gàng, tập trung vào độ bền và tính thiết thực hơn là tính thẩm mỹ.
Sau khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra, các nhà máy này buộc phải đóng cửa. Thời điểm ấy, dân số ở các thành phố bùng nổ mạnh mẽ, nên những tòa nhà trống được cải tạo và trở thành không gian sống.
Vào những năm 1950, các nghệ sĩ bắt đầu chuyển đổi các nhà kho, nhà máy và xưởng sản xuất thành không gian làm việc mở. Thay vì che giấu các chi tiết thô như gạch, kim loại và đường ống, họ quyết định giữ nguyên để tôn vinh vẻ đẹp của nó.
Đến thập niên 80 và 90, phong cách công nghiệp phát triển hơn và xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ nhà hàng đến khách sạn, cửa hàng.
Các loại vật liệu
Dầm
Trong phong cách Industrial, dầm nhà thường lộ ra ngoài để mô phỏng các nhà máy. Bạn có thể giữ nguyên hiện trạng của dầm, hoặc sơn nó với màu sắc nổi bật để tạo điểm nhấn.
Đường ống và lỗ thông hơi
Đường ống và lỗ thông hơi có thể theo đường thẳng hoặc có dạng cong, xoắn. Bởi vậy, thay vì che khuất chúng đi, bạn có thể coi đây là điểm nhấn trang trí của trần và tường.
Gạch
Những bức tường gạch trơn là biểu tượng của phong cách công nghiệp. Tông màu đất của gạch giúp không gian trở nên ấm cúng, đồng thời tạo sự tương phản với các tông màu đơn sắc và trung tính.
Gỗ nguyên bản
Gỗ được sử dụng trong phong cách này thường là gỗ xẻ, có các vết lõm và hằn dấu vết của thời gian. Chất liệu gỗ có thể dùng cho sàn nhà, đồ nội thất, mặt bàn bếp và cả các đồ trang trí.
Kim loại
Kim loại góp phần làm nên linh hồn của phong cách công nghiệp, đặc biệt là những loại có một chút rỉ sét. Vật liệu này được sử dụng rất đa dạng, từ bề mặt bằng thép không gỉ đến tay cầm màu vàng sáng.
Ứng dụng
Theo Jane Rockett của Công cụ nội thất Rockett St George (Anh), phong cách công nghiệp thường theo hướng tối giản, nhằm tạo ra một bầu không khí yên tĩnh để thư giãn tại nhà. Ngoài ra, bạn cần thiết kế các hệ tủ lưu trữ để đảm bảo không gian thoáng đãng, gọn gàng.
Vẻ đẹp của thiết kế công nghiệp nằm ở vật liệu và ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, bạn không nên chọn những tấm rèm dày cản ánh nắng. Về màu sắc, hãy ưu tiên những tông màu tự nhiên, mờ, như màu đen nhám, nâu đậm, xám nhẹ và trắng...
Ngoài ra, bạn nên để tường trơn, giữ bố cục thoáng nhất có thể và đưa vào những vật liệu như kim loại, gỗ, gạch và ngói.... Thép không gỉ và bê tông cũng giúp ngôi nhà có thêm hơi thở công nghiệp.
Còn với hệ thống ánh sáng, người dùng có thể chọn các loại đèn ray hoặc đèn có phần dây lộ ra ngoài.