Trước những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp cắt giảm lãi suất, đồng Yên so với đồng USD gần đây bắt đầu tăng, thậm chí đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 9.
Chỉ cách đây vài tuần, đồng Yên ở mức 151 Yên đổi 1 USD. Nhưng đến sáng thứ Tư, ngày 29/11, cặp USD/JPY trên mức 147 Yên đổi 1 USD sau đó giảm nhẹ.
Động thái này diễn ra sau những bình luận của Thống đốc FED Christopher Waller hôm 28/11. Ông báo hiệu rằng lãi suất có thể đã chạm trần và sẽ hạ xuống nếu lạm phát tiếp tục chậm lại.
Ông nói rằng nếu lạm phát tiếp tục giảm trong vài tháng nữa, lúc mà FED cảm thấy rằng lạm phát đã thực sự giảm và trên đà giảm, cơ quan này sẽ bắt đầu hạ lãi suất chính sách.
Chiến lược gia Kengo Hiroyama tại Daiwa Securities ở Tokyo cho biết chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản đang thu hẹp. Điều đó là động lực để mua vào đồng Yên.
“Nổi tiếng là người có quan điểm diều hâu, bình luận của ông Waller có lẽ đã ảnh hưởng đến tâm lý của những người tham gia thị trường. Ông ấy có vẻ lo ngại về rủi ro nền kinh tế Mỹ suy thoái cũng như lạm phát dai dẳng”, vị chiến lược gia nói.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng 3,2%, thấp hơn dự báo của thị trường là tăng 3,3%. CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 4,0%, cũng thấp hơn mức tăng dự kiến 4,1%.
Tuy nhiên, chiến lược gia Hiroyama cho biết: “Xu hướng cơ bản của đồng Yên yếu và đồng USD mạnh vẫn chưa thay đổi. FED chưa loại trừ khả năng tăng lãi suất bổ sung, nên giai đoạn thắt chặt tiền tệ ở Mỹ có thể vẫn chưa kết thúc”.
"Hiện tại, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức 4%. Nếu nó quay trở lại khoảng từ 3,5% đến 4%, đồng Yên có thể tăng giá hơn nữa", vị chiến lược gia nói.
Theo Nikkei Asia