Apple dự kiến giới thiệu thiết bị hoàn toàn mới, tên mã N301 vào năm 2023. Đây là mẫu kính thực tế hỗn hợp, kết hợp thực tế ảo (VR) với thực tế tăng cường (AR), tên thương mại có thể là Apple Reality Pro. Dựa trên tin đồn, thiết bị sẽ vượt trội hơn kính VR của Meta hay HTC nhờ đồ họa đẹp, hiệu năng cao và thiết kế sang trọng. Tất nhiên, mức giá vài nghìn USD sẽ khiến nhiều người chùn chân nếu muốn mua mẫu kính này.
Dự án kính thông minh của Apple đã tồn tại trong 7 năm, hiện có khoảng 2.000 nhân viên. Dù vậy, thị trường VR vẫn rất nhỏ so với tiêu chuẩn của Apple. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, Meta (công ty mẹ của Facebook) chiếm gần 80% thị phần kính VR trong năm 2021. Quy mô toàn thị trường chỉ bằng 0,5% tổng doanh thu của Apple.
10 năm sau thất bại của Google với Glass, Apple cần chứng tỏ kính thông minh của họ đủ sức khiến thị trường bùng nổ, khiến người dùng muốn sở hữu để hoàn thiện hệ sinh thái. Nhìn vào bài học của AirPods cách đây 6 năm, Táo khuyết có cơ sở để tin vào điều đó.
Kế hoạch lớn của Tim Cook
Theo Bloomberg, AirPods là thành công lớn nhất của Apple và cả ngành công nghệ trong thập kỷ qua. Bất chấp những chi tiết chưa hoàn hảo về chất âm, độ bền đến thiết kế, khó có đối thủ đủ sức đe dọa vị thế thống trị của AirPods trong tương lai gần.
Apple không tiết lộ doanh số cụ thể của AirPods mà gộp chung vào danh mục đồng hồ, loa thông minh và phụ kiện. Tuy nhiên theo thống kê của IDC, Táo khuyết bán được 120 triệu mẫu AirPods trong năm 2021. Dòng phụ kiện này chiếm khoảng 50% tổng doanh số mảng thiết bị đeo, nhà thông minh và phụ kiện, bộ phận tăng trưởng nhanh nhất của Apple.
Ngân hàng đầu tư Piper Sandler ước tính cứ 4 thanh niên tại Mỹ, khoảng 3 người sở hữu AirPods. Apple đã tạo ra tiêu chuẩn cho dòng tai nghe không dây, biến phụ kiện lẽ ra kèm theo iPhone thành món đồ phải mua với giá 200 USD .
Tất nhiên, AirPods không thể hoạt động độc lập. Đây là một phần trong dự án lớn lao của CEO Tim Cook: hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau giữa phần mềm, phần cứng và dịch vụ, buộc người dùng chi nhiều tiền để có trải nghiệm trọn vẹn.
Dũng cảm để thay đổi
Khi Apple ra mắt AirPods cùng iPhone 7 cách đây 6 năm, hầu hết tai nghe không dây hoàn toàn được bán dưới dạng gọi vốn và chứa đầy lỗi. Samsung đã trình làng tai nghe không dây trước đó 2 tháng, nhưng thời lượng pin và khả năng điều khiển không được đánh giá cao. Phil Schiller, Phó chủ tịch Marketing toàn cầu thời điểm đó, khẳng định AirPods sẽ mang đến "trải nghiệm ma thuật đậm chất Apple".
Câu nói của Schiller nhấn mạnh quy trình thiết lập đơn giản của AirPods. Năm 2016, các mẫu tai nghe không dây yêu cầu người dùng nhấn giữ nút kết nối trong vài giây để đèn LED chớp nháy, sau đó vào phần cài đặt Bluetooth trên điện thoại rồi tìm tên tai nghe, đôi khi cần nhập mã PIN. Với AirPods, thiết bị sẽ tạo kết nối và hướng dẫn ngay khi mở hộp sạc.
Những đánh giá đầu tiên về AirPods đều chưa hài lòng về chất lượng âm thanh và thiếu chống nước, song khẳng định lợi thế lớn nhất nằm ở khả năng kết nối đơn giản. Tất nhiên, người dùng cần trải qua nhiều bước hơn để kết nối tai nghe với máy tính hay smartphone Android.
Một yếu tố khác khiến AirPods được ưa chuộng chính là việc Apple cố tình biến phiên bản có dây, mang tên EarPods trở nên tệ hơn. Do iPhone 7 không còn cổng tai nghe, người dùng cần gắn adapter để dùng với EarPods, khá cồng kềnh và mất thẩm mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2016 với The Ringer, Schiller chia sẻ việc loại bỏ cổng tai nghe trên iPhone là sự dũng cảm. "Can đảm để tiếp tục làm nên điều mới mẻ, tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta", ông cho biết. Dù nhận về nhiều lời chế giễu, sự dũng cảm đã mang về thành công vang dội cho Apple khi AirPods đến tay hàng triệu người dùng.
Lời hứa về sự cạnh tranh
Thành công của AirPods đến từ công thức quen thuộc: tạo ra thiết bị đồng bộ tốt với iPhone, khiến sản phẩm cạnh tranh bị đánh giá kém hơn. Táo khuyết cũng áp dụng chiến lược này cho iCloud. Dù không có nhiều tính năng vượt trội so với đối thủ, người dùng vẫn trả tiền hàng tháng cho iCloud chỉ để sao lưu và đồng bộ ảnh giữa các thiết bị Apple.
Điều đó khiến những đối thủ chỉ trích Apple do vi phạm luật chống độc quyền. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ năm 2021, Kirsten Daru, luật sư đại diện công ty sản xuất phụ kiện tìm đồ Tile, cáo buộc Apple "lạm dụng sức mạnh thị trường và sự thống trị nền tảng một cách có hệ thống".
Vụ kiện diễn ra sau khi sản phẩm của Tile bị gỡ khỏi Apple Store, một thời gian ngắn trước khi Táo khuyết giới thiệu phụ kiện tương tự mang tên AirTag. Giống với AirPods, cách kết nối AirTag với iPhone rất đơn giản, còn những phụ kiện bên thứ ba như Tile không có quyền truy cập một số tính năng nhất định. Vào thời điểm đó, Apple lập luận thành công của họ đến từ sự đổi mới trong các sản phẩm nhằm thúc đẩy cạnh tranh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Apple cũng muốn đổi mới. Ví dụ rõ nhất nằm ở ứng dụng nhắn tin trên iPhone. Hơn 10 năm nay, tin nhắn giữa các iPhone sử dụng nền tảng độc quyền có tên iMessage, hiển thị dưới dạng "bong bóng chat" màu xanh dương, hỗ trợ một số tính năng như bày tỏ cảm xúc hay hiệu ứng. Điều đó khiến người dùng Android khó chịu, tin nhắn từ họ chỉ xuất hiện với màu xanh lá như những SMS thông thường.
Apple đủ khả năng giải quyết điều này nhưng đã từ chối thay đổi. Trong các email nội bộ được công khai giữa vụ kiện với Epic Games, các lãnh đạo Táo khuyết đã thảo luận về khả năng cung cấp iMessage cho Android nhưng nhanh chóng bác bỏ. Một trong những lý do đến từ rủi ro phụ huynh dùng iPhone sẽ cân nhắc mua smartphone Android giá rẻ cho con cái.
Ngay sau khi AirPods Pro thế hệ 2 được giới thiệu ngày 7/9, CEO Tim Cook xuất hiện tại một hội nghị công nghệ. Trả lời câu hỏi của khán giả về việc mẹ của anh ấy không thể xem video trong ứng dụng nhắn tin do bà không dùng iPhone, Cook đã đưa ra giải pháp đơn giản: "Mua cho mẹ của bạn một chiếc iPhone đi".
Nếu chỉ đơn thuần tạo ra sản phẩm tốt nhất, Apple sẽ không ngần ngại áp dụng các tiêu chuẩn nhắn tin thống nhất như RCS. Tuy nhiên với một lãnh đạo kinh doanh như Cook, Táo khuyết không có lý do để làm điều đó, trừ khi tìm ra cách kiếm lời từ dịch vụ nhắn tin.
iPhone có giá từ 800 USD . Tuy nhiên, những gì người dùng chi trả có thể cao hơn với các phụ kiện, dịch vụ đi kèm như iCloud, Apple Care, Apple Music và tất nhiên là AirPods. Đó là minh chứng cho một chiến lược kinh doanh âm thầm nhưng đầy hiệu quả của Táo khuyết. Với kinh nghiệm ấy, mẫu kính thông minh sắp ra mắt đủ sức tiếp nối thành công của AirPods.