Nhiều thống kê cho biết thời điểm trước dịch (năm 2019), Việt Nam thiếu hụt khoảng 40.000 nhân sự cho ngành du lịch. Sau 2 năm dịch bệnh, nhiều nhân sự du lịch, trong đó có nhân sự lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cao cấp đã nghỉ việc, chuyển nghề, khiến tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn, ông Patrick Basset, thành viên ban giám đốc CityLand Education, chia sẻ.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang), không ít cơ sở lưu trú 5 sao đang đau đầu tìm cách giải bài toán thiếu hụt nhân sự cao cấp khi nhu cầu du lịch ngày một tăng cao.
Nhu cầu cao, tuyển dụng khó
Trả lời Zing, ông Phan Quốc Sơn, Quản lý nhân sự khu nghỉ dưỡng Salinda Phú Quốc, cho biết trung bình 3 tháng hè vừa qua công suất phòng tại resort luôn trên mức 70%, tăng trưởng 70% so với năm 2019.
"So với quý I, resort thường xuyên trong tình trạng thiếu nhân lực khi công suất phòng tăng. Các ngày cuối tuần gần như kín phòng", ông Sơn nói.
Đại diện resort Salinda Phú Quốc cũng cho biết thêm vào những giai đoạn cao điểm thiếu nhân lực, nhân viên hỗ trợ nhau tăng ca. Những sự kiện lớn phục vụ số lượng khách lớn cùng lúc, resort phải tuyển dụng thêm nhân viên làm việc bán thời gian, các bộ phận khác có thể tham gia hỗ trợ. Vào ngày công suất thấp hơn, trưởng bộ phận sắp xếp nhân viên nghỉ phục hồi lại sức lực.
Theo ông Phan Quốc Sơn, nhiều resort tại đảo ngọc đang trong cảnh cạnh tranh tìm kiếm nhân sự chất lượng cao. Đầu vào của resort cao cấp thường yêu cầu trình độ ngoại ngữ một số vị trí phải đạt loại khá trở lên. Đầu bếp nhà hàng phải có chuyên môn, sáng tạo. Lễ tân cần kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, ngoại hình sáng.
''Hiện tại, hồ sơ ứng tuyển không nhiều như trước. Nhiều nhân viên sau khi nhận việc có thể nghỉ ngang khi vừa vào làm ngày đầu hoặc sau 1-2 tuần, một phần do khối lượng công việc quá tải. Đây là tình trạng chung của nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc hiện giờ", Quản lý nhân sự Salinda Phú Quốc bày tỏ.
Ông John A. Daly, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Nhiệm Khoa tại Hotel Academy Phú Quốc, nhận định đảo ngọc đang phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng nhưng yếu tố con người, nhân sự du lịch chuyên môn cao chưa đáp ứng tốt.
"Nhân sự Phú Quốc có lợi thế trẻ tuổi nhưng tác phong còn thiếu chuyên nghiệp do chưa được đào tạo thật sự bài bản, hệ thống. Nguồn lực nhân sự du lịch ở Phú Quốc dồi dào, nhưng lại chưa đáp ứng các tiêu chí cao của những khách sạn, resort cao cấp", ông John A. Daly nói.
Tổng Giám Đốc Academy Phú Quốc cho rằng nhân sự du lịch tại Việt Nam nói chung có sẵn sự nồng hậu, nhiệt thành. Tuy nhiên, để đạt tác phong chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế, họ cần phải được đào tạo thêm về kỹ năng chuyên môn, hành vi, thái độ phục vụ, tư duy chăm sóc khách hàng.
Giải bài toán "khát" nhân sự
Trước "cơn khát" nhân sự chất lượng cao của ngành khách sạn, nhà hàng, bà Vũ Khánh Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản Trị - Tổng giám đốc của Cityland Education, cho rằng vốn con người là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch.
"Những trải nghiệm vô hình mà du khách có khi được chăm sóc, phục vụ bởi những con người chuyên nghiệp, nhiệt thành là điều khiến họ quay lại", bà Linh nói.
Theo Tổng giám đốc của Cityland Education, để đáp ứng tốc độ phát triển du lịch ngày một tăng nhanh như hiện tại, chất lượng nhân lực cần phải được nâng cao.
Việc xây dựng trường đào tạo nhân sự chất lượng cao được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết khoảng 5% nhân sự thiếu hụt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam, Tổng giám đốc của Cityland Education cho biết.
Theo ông John A. Daly, thị trường khách sạn Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung đang cần và thiếu những nhân sự ở cấp độ đào tạo nghề. Theo đó, nhân sự theo chương trình đào tạo nghề sẽ học lý thuyết 40%, 60% thời gian thực hành tại các resort, khách sạn để cọ xát với môi trường thực tế.
"Quy trình đào tạo này khác với chương trình tại các trường cao đẳng, đại học hiện có tại Việt Nam", ông John A. Daly nhấn mạnh.