Liên quan đến việc hơn 200.000 lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã thông tin về phương án giải quyết chế độ cho nhóm đối tượng này.
Chỉ 20% lao động đủ điều kiện giải quyết chế độ
Sau khi nhận được phản ánh về việc trên 200.000 lao động đang bị nợ đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, qua đó xác định được số lao động bị nợ đóng bảo hiểm này đều rơi vào các đơn vị doanh nghiệp đã phá sản, đang làm thủ tục phá sản hoặc giải thể.
Bên cạnh đó là trường hợp bị nợ đóng ở các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, không có người đại diện theo pháp luật, nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Phân loại nhóm thì có khoảng 20% trong tổng số hơn 200.000 lao động bị nợ đóng đủ điều kiện hưởng các chế độ, 40% đang tiếp tục làm việc ở các đơn vị mới và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, 20% số lao động đã nghỉ việc, hiện đang không tham gia bảo hiểm xã hội ở đâu.
Sau khi rà soát số liệu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội và các bộ, ngành liên đang đề xuất phương án để xử lí, giải quyết chế độ đối với các nhóm lao động này.
“Trước mắt đối với các trường hợp đủ điều kiện thì giải quyết ngay quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Nhóm đang tiếp tục tham gia ở các đơn vị mới thì ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội ở đơn vị cũ để khi chuyển sang đơn vị mới có phát sinh các quyền lợi sẽ được cộng nối thời gian đóng trước đó vào. Trường hợp những người lao động chưa đi làm ở đâu sẽ bảo lưu thời gian đóng trên sổ để sau này họ tiếp tục tham gia. Như vậy, trong ngắn hạn sẽ giải quyết được vấn đề bị treo quyền lợi về bảo hiểm cho người lao động”, ông Cường thông tin.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới. Số đơn vị chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng trên 30%.
Phần lớn các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Mặc dù vậy, theo ông Cường, hiện chưa có quy định pháp luật về giải quyết quyền lợi người lao động trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội mà cơ quan Bảo hiểm xã hội khó có khả năng thu hồi.
Doanh nghiệp trốn đóng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người lao động
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng rất khó để đưa nội dung này vào, bởi vì luật chỉ điều chỉnh những quy định có tính chất chung, mà không quy định cụ thể các trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này, nhiều nội dung mới được đề xuất quy định nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, gồm cả biện pháp hành chính, kinh tế đến tư pháp. Ngoài ra, trong dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp chậm hoặc trốn đóng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì người sử dụng lao động phải bồi thường.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế); cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên; quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về bảo hiểm xã hội ra Toà án. Đáng chú ý, khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
“Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong thời gian chờ đợi giải quyết việc bị nợ đóng bảo hiểm, người lao động cũng có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện hưởng.
Căn cứ theo Điều 49 Luật Việc làm 2013; quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP; Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020, thì đối với đơn vị nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định. Cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội. Như vậy, trong trường hợp công ty cũ đang nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội và người lao động đáp ứng được các điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vẫn được chi trả trợ cấp thất nghiệp.