Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm trong tháng 7, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy trên khắp châu Á và báo hiệu nền kinh tế khu vực sẽ chưa thể có được bước ngoặt tích cực như thị trường vẫn mong đợi.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin đã giảm từ 50,5 điểm trong tháng 6 xuống còn 49,2 điểm trong tháng 7. Đây là mức thấp nhất 6 tháng và đã rơi xuống dưới 50 điểm, tức thể hiện hoạt động sản xuất đang bị suy giảm.
Hôm qua, chỉ số PMI chính thức cũng cho thấy kết quả tương tự. Việc kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi đang đè nặng lên các nền kinh tế châu Á khác, đặc biệt là khu vực Bắc Á. Chỉ số PMI của Đài Loan (Trung Quốc) giảm xuống 44,1 điểm (thấp nhất 8 tháng), trong khi của Nhật Bản cũng giảm xuống còn 49,6 điểm.
Các số liệu PMI không mấy khả quan phủ 1 đám mây đen lên triển vọng kinh tế châu Á. Bởi khu vực này đang trông đợi vào đà hồi phục của ngành sản xuất để tạo ra tăng trưởng sau khi đã dở bỏ các biện pháp chống dịch và những nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng cũng đã dần được tháo gỡ.
Nền kinh tế Trung Quốc gây thất vọng, kết hợp với lạm phát dai dẳng ở Mỹ và châu Âu đang khiến nhu cầu đối với hàng hóa mà châu Á sản xuất ra không thể bật tăng.
So với chỉ số PMI chính thức, PMI Caixin thực hiện khảo sát trên những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn và hướng về xuất khẩu nhiều hơn. Các nhà sản xuất đều nhận định lực cầu trên thị trường nước ngoài là yếu tố chủ chốt đang đè nặng lên doanh thu. Số đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm mạnh trong tháng 7.
Các số liệu này là bằng chứng mới nhất cho thấy đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu sâu hơn trong tháng 7. Chi tiêu tiêu dùng vẫn khá yếu ớt, trong khi chưa thể nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu đảo chiều nào trên thị trường bất động sản.
Dẫu vậy, những ngày gần đây các nhà đầu tư đang có tâm lý lạc quan nhờ kỳ vọng chính phủ sẽ sớm tung ra biện pháp kích thích kinh tế. Một số lãnh đạo cấp cao đã cam kết sẽ thúc đẩy thị trường vốn và phát tín hiệu tăng cường hỗ trợ thị trường nhà đất. Tuy nhiên, cho đến nay Bắc Kinh vẫn né tránh việc bơm tiền trực tiếp cho người tiêu dùng hay tung ra các gói kích thích tài khóa hoặc tiền tệ quy mô lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Annabel Fiddes đang làm việc tại S&P Global Market Intelligence, ở Đài Loan tất cả các chỉ số phụ gồm sản lượng, số đơn hàng mới và doanh số xuất khẩu đều giảm mạnh hơn so với tháng trước. Các công ty đổ lỗi cho điều kiện kinh tế toàn cầu suy yếu và các khách hàng có lượng hàng tồn kho cao.
Tại Hàn Quốc, ở mức 49,4 điểm, chỉ số PMI chỉ giảm nhẹ nhưng vẫn xuống dưới ngưỡng 50 điểm. Đây là tháng giảm nhẹ nhất trong 1 năm trở lại đây, từ đó thôi thúc các nhà sản xuất tuyển dụng thêm nhân viên và tăng mua.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á nhận được sự hỗ trợ lớn từ lực cầu nội địa. Chỉ số PMI của Indonesia đạt 53,3 điểm, cao nhất khu vực. Theo sau đó là Philippines (51,9 điểm).
Theo số liệu mới nhất từ S&P Global, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6.
Dù đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số PMI của Việt Nam dưới ngưỡng 50 điểm nhưng theo các chuyên gia của S&P, đã có những dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất của Việt Nam đang có xu hướng ổn định trở lại.