Giao dịch bất động sản tại Nha Trang đang chững lại. Ảnh: Xuân Hoát.
Đất nền ở nhiều địa phương đang đóng băng
Đất nền ở các tỉnh đã bắt đầu trầm lắng sau giai đoạn bùng nổ năm 2021. Giá đất nền tại Nha Trang hiện không quá cao so với mặt bằng chung, nhưng lượng giao dịch vẫn rất ít.
Tại Sóc Trăng, đất mặt tiền đường tỉnh 934B gần UBND xã Đại Ân (huyện Trần Đề) được nhà đầu tư ra giá 250-300 triệu đồng mỗi mét ngang cách đây 1 năm, thì nay chỉ còn 120-150 triệu đồng nhưng vẫn không có giao dịch. Ví dụ này được ông chủ của một doanh nghiệp đầu tư đất nền trên địa bàn tỉnh dẫn ra, cho thấy tình hình mua bán đất đai trên địa bàn tỉnh đang khó hơn bao giờ hết. Người này cũng cho biết tình hình giao dịch bất động sản tại sàn đã giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhà cho thuê đang trên đà tăng giá
Kể từ khi mọi hoạt động trở lại bình thường sau đại dịch Covid - 19, các căn hộ cho thuê tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội đã tăng giá 10 -20% và đang có xu hướng tăng tiếp.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, trong 7 tháng đầu năm, lượng tìm thuê nhà mặt phố, chung cư, nhà riêng đều tăng đáng kể, với mức tăng lần lượt là 61%, 35%, 16% so với 2021. Thực tế cũng cho thấy cùng với sự tăng cao của giá bán nhà thì giá cho thuê căn hộ đã tăng mạnh so với năm trước.
Tại thị trường Hà Nội và TP.HCM, giá thuê chung cư tăng khoảng 20% trong 1 năm qua. Nhiều căn hộ một phòng ngủ tại các dự án chung cư ghi nhận giá thuê tăng từ 6-7 triệu đồng/tháng từ đầu 2021 lên 8-9 triệu đồng.
Cùng với nhà chung cư, nhà trọ, căn hộ dịch vụ, nhà cho thuê ở kết hợp kinh doanh cũng tăng hàng chục phần trăm.
Theo lý giải của chuyên gia batdongsan.com.vn, thị trường căn hộ cho thuê đang nhộn nhịp trở lại theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Sau một thời gian dài phải giảm giá mạnh 50-60% để giữ khách, việc nhiều chủ nhà tăng giá sau khi các hoạt động kinh tế - xã hội gần như đã trở lại bình thường là dễ hiểu.
Tuy nhiên phần lớn giá thuê chưa quay về thời điểm trước dịch mà chỉ tăng cao hơn giai đoạn giãn cách. Trong thời gian tới, công suất cho thuê sẽ ổn định hơn nhưng chưa thể tăng mạnh và giá thuê có thể tiếp tục tăng nhẹ nhưng không đột biến vì thị trường đang chịu cạnh tranh gắt gao từ nguồn cung đa dạng.
Vắng khách, chủ mặt bằng đường Lê Lợi vẫn ra giá thuê 600 triệu đồng. Ảnh: Quỳnh Danh
Cũng liên quan đến câu chuyện cho thuê bất động sản, giá chào thuê mặt bằng kinh doanh trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) trong tuần qua đã vọt tăng lên mức bình quân 400 triệu đồng/căn/tháng, cao nhất đến 600 triệu đồng sau khi tuyến đường này được gỡ bỏ rào chắn của công trình metro số 1. Mức giá sau khi tăng cao gấp 3 lần so với thời điểm chưa gỡ rào chắn.
Các thông tin đáng chú ý khác
Flamingo xin dừng dự án hơn 2.500 tỷ đồng ở Hồ Núi Cốc
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quyết định về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyết định về chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Flamingo Holding Group.
Trước đó, ngày 19/7, doanh nghiệp này đã có văn bản xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án. Theo báo cáo của Flamingo Holding Group, tại dự án xuất hiện một số cá nhân không cư trú tại địa phương đã mua gom đất để đầu cơ và xây dựng trái phép. Diện tích đất thuộc sở hữu của các cá nhân này chiếm phần lớn diện tích đất của dự án nên rất khó khăn trong việc thỏa thuận. Thậm chí có trường hợp yêu cầu giá trị đền bù gấp 5-10 lần so với giá trị đền bù theo phương án. Những khó khăn trong công tác thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng khiến doanh nghiệp không thể thực hiện thủ tục giao đất để thực hiện dự án.
Hồ Núi Cốc là điểm hẹn du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên. Ảnh: Thainguyen.gov.vn.
Liên quan đến dự án khu du lịch này, cuối năm 2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc do Flamingo Holding Group đề xuất với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, dự án nằm tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái với tổng diện tích trên 22,6 ha. Các khu chức năng xây dựng trong khu du lịch gồm khu biệt thự, khu du lịch đảo, khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...
Nha Trang sẽ có thêm gần 3.000 ha đất thương mại dịch vụ
HĐND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vừa thông qua quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Theo quy hoạch này, đến 2030, Nha Trang sẽ giảm diện tích đất nông nghiệp từ gần 11.000 ha xuống còn gần 8.900 ha. Trong khi đó, diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng mạnh từ 7.600 ha lên hơn 16.600 ha. Đáng chú ý, đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng gần 4 lần, từ 996 ha lên gần 3.900 ha vào năm 2030.
Trong quy hoạch vừa thông qua, đến 2030, quỹ đất dành cho vui chơi, giải trí công cộng trên địa bàn TP Nha Trang cũng được điều chỉnh tăng gần 14 lần, từ 131 ha lên gần 1.800 ha. Còn đất ở nông thôn cũng được điều chỉnh tăng từ 606 ha lên hơn 1.600 ha; đất ở tại đô thị tăng từ 1.212 ha lên gần 2.300 ha.
Đồ án quy hoạch mới hướng tới mục tiêu thiết lập một tiêu chuẩn mới về chất lượng cuộc sống, làm việc và du lịch cho TP Nha Trang. Theo đó, trong tương lai Nha Trang sẽ là một đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc; là một trung tâm du lịch sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế…
Phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú gần 8.400 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao BOT.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60,1 km thuộc tỉnh Đồng Nai; vận tốc thiết kế 100 km/h.
Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 8.365 tỷ đồng.
Mục tiêu của tuyến cao tốc là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20; đồng thời, việc hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Liên Khương…
Sẽ xây dựng 1,8 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án xây dựng hơn 1,8 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030.
Đề án được đề xuất chia thành hai giai đoạn: Từ 2021 – 2025 sẽ hoàn thành 700.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu; Từ năm 2025 – 2030 sẽ hoàn thành 1,1 triệu căn nhà ở xã hội, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nhà ở của công nhân, người thu nhập thấp sống ở các đô thị.
Trước đó, theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, tương đương 147.000 căn nhà và đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn.
Diện tích sàn nhà ở xã hội tương đương khoảng 65% mục tiêu đề ra đến hết năm 2020. Sự chậm trễ này được lý giải là do thiếu quỹ đất; bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi từ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; các chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, thủ tục đầu tư còn rườm rà…