World Bank cảnh báo toàn cầu suy thoái hai lần trong một thập kỷ
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức ngấp nghé bờ vực suy thoái đối với nhiều quốc gia.
Theo Reuters, World Bank dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 ngoại trừ suy thoái 2009 sau khủng hoảng tài chính và suy thoái năm 2020 khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu. Dự báo này đã giảm gần một nửa so với dự báo hồi tháng 6/2022.
Động thái này của World Bank diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc và các đầu tàu của kinh tế thế giới đồng loạt suy yếu.
Ngoài ra, World Bank cho rằng tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2020-2024 sẽ đạt dưới 2%, mức bình quân 5 năm thấp nhất kể từ thập niên 1960.
Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19, Bộ Lao động Mỹ đưa tin trong ngày 12/01/2023.
Tháng 12/2022, chỉ số CPI giảm 0,1% so với tháng trước trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Dow Jones. So với cùng kỳ, CPI tăng 6,5% cho thấy gánh nặng chi phí sinh hoạt gia tăng đặt lên các hộ gia đình Hoa Kỳ.
Đà giảm mạnh của giá xăng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc CPI được khống chế. Thị trường phản ứng không quá mạnh trước thông tin về lạm phát, với hợp đồng tương lai Dow Jones tăng nhẹ và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm ở phần lớn kỳ hạn.
Trong năm qua, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 4,25 điểm % lên mức cao nhất trong 15 năm. Các quan chức cũng báo hiệu sẵn lòng nâng lãi suất vượt 5% trước khi tạm dừng để quan sát tác động của chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ ghi nhận mức lỗ kỷ lục
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) vừa dự báo mức lỗ 132 tỷ franc (tương đương 143 tỷ USD) cho năm tài chính 2022, tương đương khoảng 18% GDP dự kiến của Thụy Sĩ trong cùng năm. Đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 116 năm thành lập của ngân hàng này.
Năm qua, SNB đã phải tăng lãi suất 3 lần, lên mức 1% để đối phó với mức lạm phát 3%. Điều này góp phần làm cho đồng nội tệ nước này tăng giá hơn nữa.
Ngân hàng đã mất tới 131 tỷ franc đối với các vị thế ngoại tệ và 1 tỷ franc đối với các vị thế nội tệ khi đồng franc tăng giá. Ngoài ra, SNB cũng chịu thua lỗ từ danh mục đầu tư trái phiếu và cổ phiếu dưới bối cảnh thị trường suy thoái, bù lại lãi hơn 400 triệu franc thông qua việc nắm giữ vàng.
The Economist trong một bài viết từ năm 2020 nhận định, việc các Ngân hàng Trung ương thua lỗ không phải là vấn đề đáng lo, bởi đó là những tổ chức có vị thế đặc biệt, khác hẳn với các ngân hàng thương mại.
Một loạt doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu
Theo văn bản công bố thông tin bất thường lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Hưng Thịnh Incons đang chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu kỳ hạn 1 năm, đáo hạn ngày 31/12/2022. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, thời điểm thanh toán theo kế hoạch là ngày 3/1.
Hưng Thịnh Incons báo cáo đã hoàn trả toàn bộ tiền lãi hơn 8 tỷ đồng vào ngày 3/1. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thanh toán được 90 tỷ đồng trên 300 tỷ đồng nợ gốc.
Công ty xây dựng cũng đưa ra lộ trình thanh toán mới cho trái chủ. Theo đó, giai đoạn 1/3-10/3 sẽ hoàn trả 105 tỷ đồng tiền gốc và giai đoạn 25/3-31/3 sẽ tất toán khoản còn lại 105 tỷ đồng
Không chỉ Hưng Thịnh Incons mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó về dòng tiền, dẫn đến vi phạm hợp đồng thanh toán cho các trái chủ như Hoàng Anh Gia Lai, Nova Final Solution, Xuất nhập khẩu An Giang.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, có gần 17.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong tháng 1/2023, chủ yếu tại nhóm bất động sản và xây dựng.
Chứng khoán ảm đạm ngày cận Tết
Sau tuần đầu năm khởi sắc, thị trường đang trong trạng thái vận động trong biên độ hẹp ở những phiên giao dịch cuối năm âm lịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoại trừ phiên giao dịch đầu năm bùng nổ thì gần như tất cả các phiên còn lại VN-Index đều đóng cửa trong trạng thái ít biến động và khối lượng giao dịch thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch tuần này, VN-Index đạt hơn 1.060 điểm, tăng 9 điểm so với đầu tuần. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng thứ 38 liên tiếp.
Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Trong giai đoạn này, dòng tiền sẽ có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công, điện và một số nhóm cổ phiếu riêng lẻ khác tùy theo câu chuyện của từng doanh nghiệp”.
Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp
Ngân hàng Đông Á thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với ông Trần Phương Bình - cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và 8 bị can về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo kết luận, từ tháng 9 - 12/2012, Ngân hàng Đông Á cho 5 công ty bao gồm: Công ty Ngôi sao, Công ty Liên Phát, Công ty Phát Vạn Hưng, Công ty Biển Bạc và Công ty Minh Quân vay 1.680 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là một phần quyền sử dụng đất thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú, quận 2, TPHCM nhưng chưa được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đến nay, 5 công ty đã ngừng hoạt động dẫn đến không có khả năng hoàn trả cho Đông Á hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó tiền lãi gần 3.700 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án (24/5/2022), tài sản được thế chấp cho các khoản vay này được định giá chỉ gần 185 tỷ đồng.
Tranh chấp quyền lực tại Xây dựng Hòa Bình vẫn chưa ngã ngũ
Ngày 8/1, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường với tư cách là cổ đông lớn (nắm giữ 17,14% cổ phần). Một trong những nội dung nổi bật tại chương trình họp Đại hội đồng cổ đông bất thường là thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT.
Hiện ông Hải và gia đình đang là nhóm cổ đông lớn nhất công ty, nắm giữ hơn 21% cổ phần. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đủ lớn để quyết định mọi vấn đề tại Đại hội đồng Cổ đông. Các quyết định liên quan đến nhân sự HĐQT công ty đều phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận thông qua việc bỏ phiếu.
Đến nay, Xây dựng Hòa Bình chưa có thông tin chính thức về việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.
Các doanh nghiệp lần lượt báo lãi “khủng”
Với việc sớm vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch sau 9 tháng, không ngạc nhiên khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố đạt kết quả tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Theo đó doanh thu Tập đoàn đạt 931,2 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm tới 67%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 ước đạt 82,2 ngàn tỷ đồng. Con số kỷ lục trong 61 năm phát triển của ngành dầu khí.
Đáng chú ý các đơn vị chủ lực của Dầu khí Việt Nam như Lọc hóa Dầu Bình Sơn, PV Gas, PV Oil, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, PVTrans đều đạt doanh thu lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex cũng công bố tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 300 nghìn tỷ đồng, tăng 78% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 2.100 tỷ đồng, giảm 45%. Doanh thu vượt 25% kế hoạch trong khi lợi nhuận trước thuế gấp gần 7 lần chỉ tiêu cả năm.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng cho biết tình hình kinh doanh năm qua gặp nhiều thuận lợi, vượt kế hoạch và chỉ tiêu đặt ra.
Tại lĩnh vực ngân hàng, nhóm Big 4 (ngoại trừ Agribank) cũng báo lãi vượt kế hoạch. Cụ thể, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Vietcombank báo lãi trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, đạt gần 36.800 tỷ đồng. VietinBank cũng thu về lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ đạt 20.500 tỷ, tăng 22%.
Ở nhóm ngân hàng thương mại, TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Lãnh đạo Ngân hàng VIB cũng dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch.
Cảng Hàng không Việt Nam ước tổng doanh thu trên 15.300 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch năm và gấp 2 lần kết quả năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng, đạt 295% kế hoạch năm và gấp gần 10 lần năm trước.