Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay có thể ở mức 15,5-16%. Quyết định này có thể giúp bơm thêm vào nền kinh tế 156.000-200.000 tỷ đồng trong tháng cuối năm.
Việc phân bổ tín dụng ưu tiên những ngân hàng thanh khoản dồi dào và có chính sách giảm lãi suất hiện nay, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.
Trong ngày 7 và 8/12, trên kênh cầm cố thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày. Những ngân hàng trúng thầu sẽ được phép sử dụng khoản tiền hỗ trợ này đến đầu tháng 3/2023.
Giới phân tích cho rằng, với việc kéo dài kỳ hạn từ 14 ngày lên 91 ngày, nhà điều hành gửi đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản hệ thống với kỳ hạn dài hơn, điều mà trước đó rất hiếm gặp. Đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn thường thấy.
Giá USD xuống dưới 24.000 đồng
Đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá trong bối cảnh các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khả năng lãi suất tăng cao hơn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Ngày 9/12, Ngân hàng Nhà nước đang niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.657 VND/USD. Giá bán USD tại Sở Giao dịch là 24.830 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn có xu hướng được điều chỉnh giảm giá. Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.390 – 23.615 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.710 - 24.165 VND/USD
Giá dầu xuống mức thấp nhất một năm
Nỗi lo suy thoái vẫn đang tác động lên các thị trường, từ dầu mỏ đến chứng khoán. Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, dầu thô Mỹ WTI giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dầu Brent cũng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/12, giá dầu đã có chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp.
Bất chấp giá năng lượng thế giới giảm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn giữ nguyên kế hoạch sản xuất. Cuối tuần trước, nhóm này thông báo duy trì hạn ngạch dầu hiện tại đến cuối năm 2023, thay vì cắt giảm nguồn cung.
Cục Hàng không đề xuất bổ sung quy hoạch 9 sân bay mới
Cục Hàng không vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả làm việc với các địa phương có đề xuất đưa sân bay mới vào Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, các điều kiện liên quan (kể cả điều kiện về có nhà đầu tư quan tâm), Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đăk Nông, Tây Ninh.
Sân bay duy nhất trong đề xuất bị loại là Mộc Châu (sân bay thứ 2 của Sơn La, bên cạnh sân bay Nà Sản), do vị trí khu đất làm sân bay có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng.
Cục Hàng không đề nghị các địa phương trên lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.
Khánh Hòa sắp phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngày 8/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã thông qua việc phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, có kỳ hạn 7 và 10 năm.
Lãi suất phát hành do địa phương quyết định căn cứ vào khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.
Trái phiếu chính quyền địa phương do UBND tỉnh Khánh Hòa phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công đã được HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
Theo kết quả sơ kết, Khánh Hòa là tỉnh có tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2022 cao nhất cả nước, đạt khoảng 20,7%. Tốc độ tăng trưởng này được so sánh với hai năm suy giảm của tỉnh này do dịch bệnh.
Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp
VinFast nộp hồ sơ IPO tại Mỹ
Công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hoa Kỳ để niêm yết trên sàn Nasdaq với mã chứng khoán VFS nhằm tài trợ cho việc mở rộng nhà máy ở Bắc Carolina.
Tính đến cuối quý III/2022, số cổ phiếu lưu hành của VinFast trên 2,4 tỷ đơn vị - theo báo cáo tài chính được công ty cung cấp. Số lượng cổ phần và mức giá đề xuất chào bán trong đợt phát hành này vẫn chưa được xác định.
“Việc định giá hoặc quy mô đợt IPO sẽ phụ thuộc một phần vào điều kiện thị trường.” Bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu cho biết.
Ngày 9/12, VinFast công bố lựa chọn T-Mobile, công ty viễn thông hàng đầu tại Mỹ, làm đối tác độc quyền cung cấp kết nối cho xe điện thông minh tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Tesla ra mắt showroom tại thị trường Thái Lan
Ngày 7/12 (giờ Việt Nam), Tesla tiếp tục đổ bộ thị trường Đông Nam Á bằng việc khai trương showroom đầu tiên ở Thái Lan. Đây là showroom thứ hai của hãng xe điện này tại thị trường Đông Nam Á, sau khi mở cửa đại lý đầu tiên ở Singapore hồi giữa năm ngoái.
Theo Chỉ số sẵn sàng cho phương tiện di chuyển bằng điện toàn cầu 2022 do ADL công bố, Thái Lan nằm trong nhóm thị trường xe điện mới nổi, cùng với Mỹ, Nhật và UAE. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia bắt đầu cuộc chơi xe điện, cùng với một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia.
Giá cổ phiếu Novaland xuống thấp nhất lịch sử
2 phiên tăng kịch trần 29 và 30/11 với thanh khoản đột biến chưa đủ giải cứu cổ phiếu của Novaland dù lực cầu bắt đáy đã xuất hiện. Thực tế đang đi ngược lại với kỳ vọng, giá cổ phiếu thu hẹp đà giảm rồi quay đầu giảm sàn liên tục trong ba phiên gần nhất.
Dưới lực bán mạnh, cổ phiếu Novaland tiếp tục đóng cửa phiên 7/12 trong tình trạng trắng bên mua và rơi xuống mức 19.200 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Đáng chú ý, với chuỗi 17 phiên liên tiếp giảm sàn trước đó, Novaland đã 3 lần phải giải trình thông tin liên quan đến biến động giá cổ phiếu trong chưa đầy một tháng. Đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu của chứng khoán Việt Nam.
Gần đây, ba thành viên Hội đồng quản trị của Novaland lần lượt nộp đơn xin từ nhiệm và đang chờ lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông để thông qua.
Thay vì phát hành thêm, Kinh Bắc muốn mua lại 100 triệu cổ phiếu
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 năm 2022.
Theo đó, HĐQT Kinh Bắc sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để giảm vốn điều lệ. Số tiền mua lại tối đa là 3.400 tỷ đồng - tương ứng mức giá mua lại tối đa 34.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 10.000 đồng so với mức giá hiện tại.
Đồng thời, HĐQT Kinh Bắc cũng đề nghị hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 10/2/2022 do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi khiến cổ phiếu giảm giá nghiêm trọng.
Ngoài ra, Kinh Bắc dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ là 20%, tương ứng 2.000 đồng/cổ phần.
Đạm Phú Mỹ dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên 70%
Dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, HĐQT Đạm Phú Mỹ trình ĐHĐCĐ thông qua điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2022 từ 50% lên mức 70%, tương ứng 7.000 đồng/cổ phần.
Hiện Đạm Phú Mỹ có hơn 391,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, tổng số tiền dự kiến trả cổ tức là hơn 2.739 tỷ đồng, tương đương một nửa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý III/2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ lên xấp xỉ 14.900 tỷ đồng, thậm chí lãi sau thuế tăng gấp 3 lần lên hơn 4.466 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm 2022.