Ngân hàng Việt loay hoay tìm cửa cho vay.
Hàng loạt ngân hàng Việt Nam đang rơi vào thế khó khi có nguồn tiền dồi dào nhưng phải xoay sở tìm cách cho vay. Số liệu mới nhất từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng. Và một số thông tin nổi bật về các doanh nghiệp sẽ có trong bản tin tuần này.
Ngân hàng có tiền nhưng khó cho vay
Dữ liệu Ngân hàng Nhà nước mới công bố, tính đến cuối tháng 6, số tiền người dân và các tổ chức kinh tế gửi tại ngân hàng đạt khoảng 11,45 triệu tỷ đồng. Trong đó, số tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 3,61%, của người dân tăng đến 6,02% so với cuối năm 2021.
Dù sở hữu nguồn tiền dồi dào, song nhiều ngân hàng đã bắt đầu chạm trần tăng trưởng tín dụng. Trong khi cuối năm là thời điểm nhu cầu vay vốn tăng cao khiến các ngân hàng buộc phải xoay sở để tìm hướng cho vay.
Techcombank, TPBank, Vietcombank, Vietinbank, Ngân hàng Quân đội, VPBank… đang chọn giải pháp tất toán trái phiếu doanh nghiệp và ưu tiên các khoản vay cá nhân với có biên lãi thuần cao hơn, hoặc các khoản vay ngắn hạn, nhằm xoay vòng vốn nhanh để tận dụng phần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn lại.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp của tháng 7 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 3,9% hồi tháng 6. Tuy nhiên, con số này lại thấp hơn so với mức tăng 4,6% mà các nhà phân tích đã dự báo.
Hầu hết các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đều đang tăng trưởng ở mức thấp hơn kỳ vọng do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Tình trạng này đặt ra lo ngại Trung Quốc có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng hàng năm lần đầu tiên, kể từ năm 2015.
Ngày 15/08, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, lãi suất chủ chốt đã giảm 0,1 điểm phần trăm, từ 2,85% xuống 2,75%. Đây là lần thứ 2 trong năm nay cơ quan này cắt giảm lãi suất nhằm kích cầu.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu và gián tiếp đến các ngành sản xuất kinh doanh Việt Nam.
Một số thông tin doanh nghiệp nổi bật
Licogi 14 giảm lỗ hơn 210 tỷ đồng sau soát xét:
Khoản lỗ sau thuế của Licogi 14 đã giảm gần 90%, từ 234,4 tỷ đồng xuống còn 23,7 tỷ đồng sau khi kiểm toán soát xét báo cáo tài chính. Mức lỗ giảm sâu nhờ việc báo cáo soát xét nhìn nhận CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 là công ty liên kết, thay vì công ty con như trong báo cáo Licogi 14 tự lập. Sự thay đổi này khiến Licogi 14 chỉ hạch toán một phần lỗ của công ty con, thay vì toàn bộ như trước đó.
Sau khi công ty con phát hành thêm cổ phiếu hồi tháng Tư vừa qua, tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 đã giảm từ 51% xuống dưới 50%, khiến công ty này thành công ty liên kết với Licogi 14. Khác biệt trong cách nhìn nhận công ty con hay công ty liên doanh, liên kết khá phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hoàng Anh Gia Lai bị phạt 245 triệu đồng:
Ngày 15/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định về việc xử phạt 245 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Một nửa số tiền phạt đối với Hoàng Anh Gia Lai là do những vi phạm của công ty này trong việc công bố thông tin theo quy định.
Thị trường chứng khoán chú ý đến khoản phạt 125 triệu đồng do Hoàng Anh Gia Lai đã có giao dịch với cổ đông công ty. Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 của Hoàng Anh Gia Lai chỉ rõ công ty này cho Chủ tịch HĐQT - ông Đoàn Nguyên Đức vay hơn 100 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm. Theo quy định, công ty đại chúng không được phép cho cổ đông vay vốn, hoặc bảo lãnh vay vốn cho cổ đông, trừ khi công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.
Ngoài khoản cho vay với cá nhân ông Đức, Hoàng Anh Gia Lai cũng cho các tổ chức, cá nhân liên quan công ty vay số tiền hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời ghi nhận hàng trăm tỷ đồng tiền lãi cho vay trong nửa đầu năm.
Tình trạng nợ đọng tiền đang làm các nhà thầu xây dựng “chết mòn”:
Tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu gây sức ép lên nhà thầu xây dựng, khi tình trạng nợ đọng tiền thi công, xây dựng trở nên phổ biến. Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết hiện có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu với tổng công nợ đến 31/3 lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị vốn quản lý Nhà nước là 1.004 tỷ, doanh nghiệp tư nhân là 535 tỷ đồng. Hay Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng...
Giá thép giảm 14 lần liên tiếp, giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần qua:
Hồi đầu tuần, giá thép trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm 310.000-510.000 đồng/tấn. Với đợt giảm mới nhất, các mặt hàng thép trong nước đã ghi nhận lần giảm giá thứ 14 liên tiếp kể từ giữa tháng 5, tổng mức giảm khoảng 5 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện nay, giá mặt hàng này đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm nay nhưng vẫn cao hơn so với cuối năm 2021 khoảng 3-4 triệu đồng/tấn. Lãnh đạo Hòa Phát nhận định việc Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách Zero Covid và ngành xây dựng vào mùa cao điểm từ tháng 9 là những yếu tố khả quan làm nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trên thế giới cao trở lại.
Giá quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép, giảm sâu trong thời gian gần đây vẫn chưa đủ mang lại tình hình kinh doanh lạc quan cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Xuất khẩu thịt heo 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 3 con số:
6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 8,59 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34,69 triệu USD, giảm cả về lượng và giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng xuất khẩu thịt heo lại trở thành điểm sáng khi đạt mức tăng trưởng 3 con số. Cụ thể, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng.