Xác minh nguồn gốc 156 bất động sản liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Công an TP.HCM vừa gửi văn bản đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM rà soát, xác định và cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất có liên quan đến 156 bất động sản thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo danh sách đính kèm, 156 bất động sản nêu trên tập trung tại quận 1, 3, 5, 7, TP Thủ Đức.
Công an TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cung cấp kết quả cho Phòng An ninh kinh tế trước ngày 19/10.
Trước đó, ngày 8/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng bị bắt tạm giam với bà Trương Mỹ Lan còn có 3 bị can khác. Theo cáo buộc, các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019.
Giới chuyên gia nhận định tiêu cực về thị trường BĐS cuối năm
Tuần qua, một số đơn vị nghiên cứu thị trường đã đưa ra nhận định, dự báo về thị trường BĐS cuối năm. Phần lớn đều nhìn nhận địa ốc 3 tháng tới không có nhiều biến động tích cực, thậm chí chịu nhiều áp lực.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng cả về nguồn cung lẫn nguồn cầu; người mua và người bán cùng đối diện với nhiều thách thức.
Cụ thể, ông cho rằng áp lực tăng lạm phát, chính sách quản lý nguồn vốn cùng những rào cản pháp lý sẽ tạo ra thách thức lớn cho thị trường nói chung.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Ảnh: Thủy Tiên
Bên cạnh đó, tình trạng nguồn cung chưa được cải thiện, cơ cấu không đa dạng sẽ vẫn là điểm nghẽn lớn. Loại hình vốn dẫn dắt thị trường thời gian qua là đất nền được dự báo tiếp tục bị quản lý chặt chẽ.
Chung góc nhìn, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các chính sách về siết room tín dụng ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường, khiến cho lượng hàng tồn kho lớn.
Không có nguồn vốn từ tín dụng, các doanh nghiệp BĐS chuyển sang hình thức phát hành trái phiếu để duy trì phát triển dự án, những dự án chưa hoàn thiện phải lo nguồn tiền để trả nợ trái phiếu gần đến hạn dẫn đến nguồn cung đình trệ.
Người mua nhà nhất là người lao động trẻ có nhu cầu ở thực, khó tìm được sản phẩm vừa túi tiền.
TS. Lê Sĩ Trí, Chuyên gia Kinh tế có góc nhìn khả quan hơn về thị trường. Ông cho rằng bên cạnh những thách thức là những cơ hội cho thị trường BĐS. Từ phía vĩ mô, những chính sách mới của Nhà nước sẽ làm minh bạch thị trường.
Ông Trí nhận định tầng lớp trung lưu tăng trong những năm trở lại đây, dự kiến lên 27 triệu người vào 2025 sẽ khiến nhu cầu chi tiêu tăng trưởng, mặt hàng BĐS cũng được hưởng lợi khi thu nhập và nhu cầu mua sắm tăng. Trước mắt, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 35% năm 2012 lên 37% năm 2021 và dự kiến tăng lên 40% năm 2025 sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chuyển nhượng 30.000 m2 đất không qua đấu giá
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinataba đã chuyển nhượng hơn 30.000 m2 tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.
Vị trí khu đất vàng 152 Trần Phú
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất tại 152 Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra việc thực hiện dự án tại số 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội của Vinataba đã có một số sai phạm. Dự án kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ di dời Nhà máy thuốc lá Thăng Long, đến hiệu quả sử dụng vốn của Vinataba…
Nhiều địa phương chấn chỉnh các dự án trên địa bàn
Tuần qua, chính quyền các địa phương Kon Tum, Quảng Ninh đã ban hành các quyết định hủy bỏ, thu hồi đối với một số trên địa bàn.
Tại Kon Tum, sau khi thanh tra 25 dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông, đơn vị thanh tra kết luận toàn bộ 25 dự án đều có vi phạm.
25 dự án này có vốn đăng ký hơn 7.900 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng là 3.378 ha. Sau thanh tra, UBND tỉnh quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư 5 dự án, trong đó có 4 dự án nuôi trồng thực vật, dược liệu và Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Calama. 20 dự án còn lại, 2 dự án bị chấm dứt 1 phần đầu tư, 18 dự án bị xử phạt hành chính.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa thu hồi quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 công trình Chung cư kết hợp thương mại, văn phòng tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Quyết định này từng được UBND tỉnh phê duyệt năm 2020. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc UBND cấp huyện. Do đó, tỉnh chỉ đạo chính quyền thành phố triển khai việc thẩm định, phê duyệt lại quy hoạch chi tiết dự án.
Sau Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, tình trạng bỏ cọc sau đấu giá đất liên tiếp xuất hiện tại Quảng Trị
Tại Quảng Trị, mới đây, UBND huyện Hải Lăng đã ra hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá 11 lô đất tại thị trấn Diên Sanh và xã Hải Ba.
Huyện Cam Lộ cũng hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền trị giá gần 18 tỷ đồng. Huyện Vĩnh Linh hủy kết quả trúng đấu giá 12 lô đất tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng…
Nguyên nhân hủy bỏ kết quả trúng đấu giá do quá thời hạn, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng bỏ cọc xuất hiện tại nhiều địa phương như Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Cơn sốt đất kéo dài từ năm 2020 đến hết năm 2021 đã đẩy giá đất lên mặt bằng mới. Nhiều nhà đầu tư đấu giá và bán lại ngay sau đó với mục tiêu kiếm tiền chênh. Tuy nhiên, cơn sốt đất dần hạ nhiệt, nhiều người không thoát kịp hàng nên chấp nhận bán cắt lỗ, thậm chí bỏ cọc.
Các thông tin đáng chú ý khác
Cần Thơ sắp có thêm khu công nghiệp gần 300 ha
Thủ tướng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1), tại xã Vĩnh Trịnh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Theo quyết định này, 3 nhà đầu tư sẽ tham gia phát triển dự án, gồm: Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC); Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore.
Dự án có quy mô gần 294 ha. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 3.718 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm khoảng 15%, còn lại là vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Thông xe cây cầu 500 tỷ giáp hai quận cửa ngõ TP.HCM
Chiều 16/10, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã thông xe nhánh 2 của dự án xây dựng cầu Bưng sau 5 năm thi công.
Công trình xây mới cầu Bưng dài 555m, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng được kỳ vọng giải quyết kẹt xe khu vực Tây Bắc TP.HCM.
Chưa xác định vị trí xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết việc xây dựng một sân bay quốc tế thứ hai (ngoài Nội Bài) chưa hẳn ở Thường Tín, cần nghiên cứu thêm.
Gần đây, một số nguồn tin cho hay, vị trí nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ hai cho vùng thủ đô được UBND TP Hà Nội đề xuất tại khu vực huyện Thường Tín. Đây là vị trí tránh được vùng núi và thời tiết bất lợi ở khu vực phía tây Hà Nội như đề xuất trước đó, ít ảnh hưởng đến máy bay tiếp cận sân bay Nội Bài. Tuy thống nhất vị trí nghiên cứu tại Thường Tín nhưng vị trí cụ thể sẽ nghiên cứu khi quy hoạch tổng thể được phê duyệt.
Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown áp dụng phương án chia lô nhỏ để bán
Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown với mức giá thấp nhất 7 tỷ đồng/căn sẽ được VMI JSC chia nhỏ mỗi căn làm 50 phần để bán lại cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư hợp tác với doanh nghiệp sẽ được chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư
. Công ty cũng cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hàng năm là 7,5% để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có thu nhập cố định trong trường hợp thị trường biến động bất lợi. Hình thức kinh doanh này tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường BĐS, đồng thời giúp Vinhomes sớm thu hồi vốn.
VMI JSC là công ty vừa được tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, góp vốn bằng cổ phiếu Vingroup mà ông Vượng nắm giữ.