Bỏ bữa gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ảnh: Pexels.
"Nhiều khi tôi bỏ cả bữa sáng, trưa, tối rồi lại ăn đêm vì đến giờ đấy mới rảnh", Như Ngọc (22 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Tính chất công việc của Ngọc linh động về thời gian. Nhiều khi rất rảnh nhưng cũng có lúc rất bận, vì thế việc ăn uống của cô cũng không ổn định. Chính Ngọc cũng thừa nhận mình có thói quen hay bỏ bữa.
Không giống Ngọc, công ty của Phúc Vinh (22 tuổi, nhân viên thiết kế phần mềm tại TP.HCM) cho phép nhân viên được nghỉ trưa khoảng một giờ. Tuy nhiên, vào thời gian này anh lại không ăn trưa mà dùng để làm việc.
“Buổi trưa tôi sẽ được nghỉ ngơi khoảng một giờ, nhưng tôi rất ít khi chợp mắt hay đi ăn trưa với đồng nghiệp. Thay vào đó, tôi sẽ đi rót thêm nước và dành 5-10’ đi bộ loanh quanh văn phòng, rồi ngồi vào bàn làm việc tiếp”, Vinh nói.
"Ăn bù" bữa trưa vào buổi tối
Gần cuối năm, Phúc Vinh đổi sang công việc mới với nhiều thách thức và áp lực hơn. Trong giai đoạn thử việc, anh căng thẳng do phải tập trung mọi thứ vào công việc, thậm chí bỏ cả ăn uống.
“Công ty có cung cấp bữa sáng cho nhân viên, vì thế tôi thường có mặt tại văn phòng lúc 8h để ăn sáng, đến 8h30 sẽ bắt đầu làm việc. Bữa sáng tại công ty khá đa dạng món như các món như súp, bún thịt nướng, hủ tiếu xào hay cơm sườn”, Vinh cho biết.
Tuy nhiên, đến trưa, Vinh thường bỏ bữa vì lười đi ăn và muốn tận dụng hết thời gian để làm việc. Vào buổi sáng, anh cho hay mình sẽ cố ăn thật no để trưa không cảm thấy quá đói. Ngoài phần ăn công ty cung cấp, Vinh thường uống thêm cà phê, cà phê sữa, nước ép trái cây hoặc sữa tươi để buổi sáng chất lượng hơn. Đến khi tan làm khoảng 18-19h, anh sẽ đi ăn bù bên ngoài hoặc đặt đồ ăn về nhà.
“Tôi không rõ việc ăn uống như thế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau này hay không. Nhưng về cơ bản, tôi thấy vẫn đủ no và đủ sức làm việc. Tôi tự nhủ qua giai đoạn thử việc này, khi công việc dần dần vào quỹ đạo, tôi sẽ ăn trưa đúng giờ hoặc thậm chí tự nấu ăn mang theo”, Vinh cho hay.
Như Ngọc thường xuyên bỏ bữa và có thói quen ăn vặt. Ảnh: Pexels.
Không như Vinh, Ngọc dậy khá muộn, khoảng hơn 9h, do đó cô không ăn sáng mà chỉ uống cà phê hoặc cà phê sữa ít ngọt. Một ngày của cô thường chỉ có 2 bữa trưa và tối. Tuy nhiên, nhiều hôm công việc dồn dập, cô bỏ luôn cả bữa trưa, thậm chí là bữa tối để xử lý cho xong công việc.
Ngọc nói thêm ngoài việc hay bỏ bữa chính, cô cũng rất hay ăn vặt vào ban đêm. Có ngày, cô ăn liên tục mì gói, gà nướng phô mai, uống trà sữa hay bánh bông lan trứng muối lúc tối muộn.
Nhận thức rõ chế độ ăn uống của mình không tốt cho sức khoẻ, nhiều lần Ngọc hối hận và quyết định ăn kiêng trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, cứ đến khoảng 20-21h, cô lại đói bụng và tìm cách nạp đồ ăn vào người.
“Cứ mỗi lần đói bụng và thèm ăn, tôi sẽ rủ bạn bè đi ăn nhiều món như cá viên chiên, phá lấu, há cảo... vào những khung giờ tối muộn", cô tâm sự.
Mặc dù rất muốn thay đổi thói quen ăn uống của mình, Ngọc cho biết điều này là không khả thi. Công việc của cô linh động về thời gian, không phải lúc nào cũng có thể nấu ăn tại nhà hay chuẩn bị đồ ăn mang đi làm. Cô cho hay bản thân đang cố gắng sửa thói quen này, tuy nhiên sau vài ngày, đâu lại vào đấy.
Tác hại của bỏ bữa
Brooke Alpert, chuyên gia dinh dưỡng tại New York, tác giả của cuốn sách The Diet Detox, giải thích: “Bỏ bữa đúng cách, còn được gọi là nhịn ăn gián đoạn, có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm cân. Tuy nhiên, bỏ bữa và nhịn ăn gián đoạn là hai việc rất khác nhau. Bỏ bữa vì quá bận rộn để ăn khác với việc nhịn ăn để kiểm soát cảm giác thèm ăn và thực hành ăn uống có chánh niệm. Nói chung, bỏ ăn gây ra tác hại tiêu cực cho cơ thể”.
Mệt mỏi và uể oải
Lượng đường trong máu thấp có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, uể oải, run rẩy và có cảm giác như sắp bất tỉnh. Bạn thậm chí thấy khó tập trung vì não không có nhiên liệu cần thiết để suy nghĩ thông suốt.
Amanda Spina, chuyên gia dinh dưỡng tại Banner Health, cho biết: “Glucose là nhiên liệu cho các hoạt động của não. Nó đến trực tiếp từ thức ăn và đồ uống có chứa carbohydrate hoặc gián tiếp từ việc dự trữ glucose hay sản xuất glucose ở gan. Não có thể sử dụng ketone, hợp chất do gan tạo ra sau khi phân hủy chất béo, nhưng não lại có xu hướng lấy năng lượng từ glucose hơn”.
Bà Spina chia sẻ đối với người mắc bệnh tiểu đường, bỏ bữa có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp một cách nguy hiểm vì cơ chế bình thường để duy trì lượng đường trong máu của họ bị suy giảm.
Bỏ bữa khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thiếu tập trung. Ảnh: Pexels.
Hormone đói bị ảnh hưởng
Cơ thể chúng ta có các tín hiệu đói và no tích hợp sẵn dưới dạng hormone, giúp chúng ta biết khi nào cần ăn và khi nào nên ngừng ăn. Bằng cách bỏ qua tín hiệu đói, một số hormone bị phá vỡ bao gồm insulin, leptin, cortisol và ghrelin.
Theo bà Spina, nhiều nghiên cứu cho thấy thậm chí chỉ cần nhìn vào thức ăn hay nghĩ về nó cũng có thể ảnh hưởng đến các hormone này. Và bạn cần đối mặt với điều này, nếu bạn đang đói, thật khó để không nghĩ đến thức ăn".
Ngoài ra, khi liên tục bỏ bữa, cơ thể sẽ sản xuất ngày càng nhiều ghrelin, loại hormone gây ra cảm giác đói. Nó cũng sẽ tạo ra ít leptin hơn, hormone làm giảm cảm giác thèm ăn. Điều này khiến chúng ta khó biết khi nào mình đã no và có thể dẫn đến ăn quá nhiều.
Ăn quá nhiều vào bữa ăn tiếp theo
Không ăn trong một thời gian dài có thể dẫn đến thèm ăn thực phẩm không lành mạnh. Thay vì tìm đến thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng, bạn có thể tìm đến carbs hoặc đồ ngọt, những thứ cung cấp nguồn glucose dễ dàng cho cơ thể. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn nhanh chóng nhưng không lâu.
Bà Spina cho biết: “Nếu không có protein, chất béo hoặc chất xơ để làm chậm quá trình tăng glucose, lượng đường trong máu có thể tăng vọt và sau đó giảm xuống khá nhanh. Chúng tôi gọi điều là sự giảm đường huyết. Nó có thể dẫn đến vòng luẩn quẩn và lượng đường trong máu ở mức nguy hiểm đối với người mắc bệnh tiểu đường”.
Mất đi niềm vui trong ăn uống
Tại một thời điểm nhất định, việc cố ý bỏ bữa và hạn chế lượng calo có thể nhanh chóng chuyển từ có lợi sang có hại cho sức khỏe, cả về thể chất và tâm lý.
“Hạn chế thức ăn là cơ sở của nhiều chứng rối loạn ăn uống như chán ăn, cuồng ăn (tập trung vào thực phẩm lành mạnh) và có thể gây ra mối quan hệ tiêu cực với thực phẩm”, bà Spina nói.