Trước khi Steve Jobs được biết đến là một thiên tài sáng tạo, người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, ông đã từng là đứa trẻ nghịch ngợm và không có thành tích tốt trong trường học.
Thiên tài "bất hảo"
Trước khi bắt đầu đi học cấp 1, Jobs đã được mẹ dạy đọc. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến ông gặp trở ngại tại trường học. Ông chia sẻ: "Tôi cảm thấy nhàm chán, không thấy có thứ gì mới để học trong một vài năm đầu, vì vậy tôi đã lấp đầy thời gian đi học bằng việc gây ra rắc rối".
Tính cách của Steve Jobs ảnh hưởng khá nhiều từ cách giáo dục, ông không dễ dàng chấp nhận sự áp đặt và kiểm soát, "ở trường, tôi gặp phải những quy tắc khác hẳn với lúc ở nhà và tôi không thích điều đó", Jobs cho biết.
Không có gì ngạc nhiên khi ông bị nhà trường trả về gia đình nhiều lần trước khi học xong lớp ba.
Khi cha mẹ Jobs ép phải đi học, ban đầu ông phản ứng lại một cách khá gay gắt nhưng rốt cuộc cũng chiều ý họ. Gần nhà ông là trường đại học Stanford và nơi đây sẵn sàng cho ông một suất học bổng nhưng ông không hề đếm xỉa. Jobs nói rằng, "những đứa chọn Stanford để theo học thì chúng đã biết được chúng muốn gì rồi. Chúng thật sự chẳng có tí máu nghệ sĩ nào cả. Tôi thì muốn cái gì đó vừa nghệ sĩ lại vừa thú vị".
Chiếc CV mắc đầy lỗi
Do đó, Jobs đã chọn đại học Reed. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, ông lựa chọn bỏ đại học. Trong thời gian đó, cố CEO Apple đã cố gắng xin vào công ty có tên Atari. Sau này, lá đơn xin việc của Steve Jobs đã được công bố trước công chúng.
Tưởng rằng, lá đơn được viết bởi Steve Jobs sẽ có những cột mốc đặc biệt và ấn tượng nhưng thực tế không phải vậy. CV xin việc chỉ dài đúng một trang, được Jobs viết bằng tay và "rải rác" các lỗi ngữ pháp.
Cụ thể, ở phần họ tên của mình ông viết thành "Steven jobs". Tên của ông được viết trong CV không những không viết hoa chữ "jobs" mà còn viết sai chính tả chữ "Steven". Hơn nữa, tỷ phú công nghệ sử dụng tên trường đại học làm địa chỉ nhà riêng.
Trong đơn xin việc, về phần khả năng đặc biệt của bản thân, Jobs viết trong CV là "kỹ sư công nghệ điện tử và thiết kế số". Đến phần Skills (những kỹ năng), Jobs ghi "Có" bên cạnh mục Computer (máy điện toán) và Calculator (máy tính), ông còn mở ngoặc thêm một dòng bên dưới: "thiết kế, công nghệ."
Ngoài ra, ở mục địa chỉ, ông ghi "trường cao đẳng Reed" với chuyên ngành chính là "tiếng Anh, Văn học". Trả lời câu hỏi Access to transportation (Có phương tiện đi lại không?), Jobs đã viết, "Có thể, nhưng không hẳn."
Đặc biệt trong phần điền số điện thoại, ông đã ghi "Không" và ghi "Có" trong phần giấy phép lái xe.
Khi nhìn vào lá đơn này, có thể thấy khả năng, đam mê cùng tham vọng to lớn của Jobs trong ngành công nghệ chính là một bàn đạp vững chắc cho những thành công sau này.
Thành công ngoài sức tưởng tượng
Một năm sau khi viết đơn, Steve Jobs đã được nhận vào Atari với tư cách là một kỹ thuật viên. Jobs đã trở thành một trong số 50 nhân viên đầu tiên tại Atari làm việc ở vị trí nhân viên kỹ thuật với mức lương 5 USD một giờ.
Việc thuê một sinh viên bỏ học từ Reed là một điều trái với tiêu chí tuyển dụng và gần như chưa có trong tiền lệ công ty, nhưng Alcorn thấy điều gì đó khác biệt trong người thanh niên trẻ tuổi lúc ấy. “Anh ta thông minh, nhiệt huyết và đam mê công nghệ”, Alcorn nhận xét.
Jobs đã có một thời gian nghỉ việc và quay trở lại Atari làm việc vào đầu năm 1975. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, Jobs thôi việc và bắt đầu theo đuổi hoài bão “thành lập một công ty trong đời” - Apple - cùng với người bạn thân Wozniak.
Vào năm 1980, Jobs đã đưa công ty của mình lên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và thu về khoảng 100 triệu USD - một trong những sự bùng nổ lớn nhất vào thời điểm đó. Công ty hiện có giá trị hơn 875 tỷ USD.
Jobs cũng rất thành công với vai trò là CEO của Apple từ năm 1997 cho đến năm 2011. Năm 2011, ông giao lại chức vụ cho Tim Cook – CEO đương nhiệm của Apple hiện nay. Ông qua đời vào năm đó, hưởng thọ 56 tuổi, nguyên nhân cái chết được cho là bởi sự lan rộng của chứng ung thư tuyến tụy hiếm gặp.
Trong thời gian làm việc tại Apple, "người khổng lồ" công nghệ này đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng nhất cho người dùng bao gồm máy tính Macintosh, iPod, iTunes và iPhone.
Đơn xin việc của Steve Jobs hiện trong tình trạng bảo quản tốt, ngoại trừ một số vết ố nhẹ và dính một phần băng keo phía mép trên. Đơn này đi kèm thư và giấy chứng nhận tính xác thực để chứng minh đây là bản gốc do chính tay Jobs viết.
Đơn xin việc hiếm hoi của Steve Jobs đã được bán đấu giá, thu về số tiền khổng lồ là 222.400 USD (tương đương 5,2 tỷ đồng).
Theo The Ladders, CNBC