Có hai con gái nhỏ 2 tuổi và 5 tuổi, anh Minh Hải (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đau đầu mỗi khi nghĩ đến chỗ chơi cho các con vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ.
Xung quanh nhà không có công viên hay vườn hoa nào để đưa các con đi dạo, anh Hải phải vượt quãng đường xa 10 km đến các quận trung tâm mới tìm được điểm vui chơi cho con.
"Lần đầu đưa con đến công viên Thủ Lệ vui chơi, tôi rất bất ngờ vì khách tham quan đông nghịt nhưng cơ sở xuống cấp, nhiều chuồng thú trống không. Hà Nội đã thiếu chỗ vui chơi đến mức người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài đưa con vào vườn thú cuối tuần", anh Hải chia sẻ.
Công viên không khác gì 10-15 năm về trước
Theo anh Minh Hải, vợ chồng anh mong muốn các con được gần gũi thiên nhiên thay vì ở trong phòng điều hòa cả ngày, nên lựa chọn ưu tiên là các không gian xanh, thoáng đãng, có trò chơi để các con tự do chạy nhảy, tương tác.
Ở nội thành Hà Nội, anh chỉ tìm được hai nơi đạt được tiêu chí này là công viên Thống Nhất và công viên Thủ Lệ, nằm trong bán kính di chuyển từ nhà anh khoảng 8-10 km.
Một lần đưa con vào công viên Thống Nhất, anh nhận ra địa điểm này có một số trò chơi dành cho trẻ nhỏ như thú nhún, đu quay đều xuống cấp và thiếu an toàn. Trong khi đó, đường đi bộ quanh công viên cũng có nhiều chỗ gồ ghề, nứt vỡ.
Khi đến công viên Thủ Lệ, bé 5 tuổi nhà anh Hải rất thích ngắm nhìn những con vật, song anh cho biết cơ sở vật chất ở đây rất cũ kỹ, nhiều chuồng thú bị bỏ trống rất lâu.
"Các trò chơi ở hai công viên này không khác gì 10-15 năm trước khi tôi đến đây, thậm chí xuống cấp và gỉ sét, không phù hợp cho trẻ nhỏ vui chơi", anh Hải nói và cho biết có nhu cầu cho các con gần gũi với thiên nhiên nhưng anh có quá ít lựa chọn để làm được việc này.
Thậm chí, khi đưa con đến vườn thú vào cuối tuần, anh bất ngờ khi cả gia đình phải chen chúc vì lượng người đổ về quá đông. Trong khi đó, hạ tầng trong công viên xuống cấp, hàng quán xập xệ và mất vệ sinh.
Anh Hải làm phép so sánh công viên với khu vui chơi của trung tâm thương mại và cho rằng ngoài việc mát mẻ, không sợ nắng mưa, các trò chơi trong trung tâm cũng thân thiện với trẻ nhỏ hơn vì được làm bằng nhựa, xốp thay vì sắt, thép gây nguy cơ mất an toàn.
Vì vậy, dù không muốn con bị gò bó trong không gian điều hòa, anh dần dần lựa chọn trung tâm thương mại làm điểm đến vui chơi cho con vào cuối tuần.
"Đưa con đi 10 km để tận hưởng không gian sạch sẽ, tiện ích trong trung tâm thương mại còn hơn đến nơi chỉ thấy sự cũ kỹ, xập xệ và chen chúc ngột ngạt như công viên", anh Hải so sánh. Anh nói sẵn sàng vượt quãng đường xa để đưa các con đi chơi, nhưng không còn chọn công viên làm điểm đến.
Quận 400.000 dân nhưng không có công viên
Cũng sống tại quận Hà Đông nhưng nỗi băn khoăn của Hoàng Trang (27 tuổi) khác với anh Minh Hải, là không tìm được một không gian công cộng gần nhà để tập thể dục vào buổi chiều.
Là dân văn phòng cả ngày ngồi một chỗ, cô gái 27 tuổi có nhu cầu rất lớn trong việc tìm nơi thoáng mát, nhiều cây xanh và rộng rãi để chạy bộ sau khi kết thúc giờ làm việc.
Xung quanh nơi Trang ở chỉ có một vườn hoa nhỏ với một vài dụng cụ thể dục dành cho người già và một đường chạy ven quanh hồ Văn Quán. Nhưng từ khi khu vực này trở thành bãi đỗ xe của nhiều hàng quán ven hồ, cô ngao ngán từ bỏ ý định hòa mình với thiên nhiên.
"Cuối tuần mình chỉ nghĩ đến rạp chiếu phim, hàng ăn uống chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ đi công viên chơi. Có lần mình và bạn đã thử vượt gần 10 km vào công viên Bách Thảo, nhưng từ đó không quay lại nữa, vì khung cảnh nhàm chán và không có điểm nhấn", Trang nói.
Băn khoăn của Hoàng Trang không phải không có cơ sở khi trong số hàng loạt dự án công viên treo tại Hà Nội, có đến 3 dự án thuộc quận Hà Đông là công viên Thiên Văn Học, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông và công viên hồ Phùng Khoang.
Là địa bàn có dân số đông nhất Hà Nội với 400.000 người, nhưng quận Hà Đông không có công viên nào, chỉ một số khu đô thị có vườn hoa nhỏ, không đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Việc các công viên lớn của thành phố chỉ tập trung ở các quận nội thành tạo ra "cơn khát" về không gian công cộng, cây xanh cho người dân thủ đô. Trong khi đó, hệ thống công viên đang có cũng thiếu cơ chế cải tạo, vận hành, đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng các không gian xanh trong đô thị của người dân.
Hàng loạt công viên, vườn hoa cần cải tạo
Trao đổi với Zing, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đang tiến hành lập đoàn kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện đầu tư, cải tạo các công viên trên địa bàn. Trước đó, việc cải tạo, duy tu vẫn chủ yếu mang tính khắc phục cục bộ một số hạng mục.
Đơn vị này cho biết trước mắt, thành phố ưu tiên cải tạo 3 công viên lớn là Thống Nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo theo hướng nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt.
Với riêng công viên Thống Nhất, nhiều hạng mục đã hư hỏng và xuống cấp, trong đó có hệ thống cổng vào, hàng rào bong tróc. Do đó, kế hoạch của thành phố là hạ hàng rào, đưa công viên Thống Nhất thành công viên mở, không thu vé vào cửa và cải tạo đồng bộ các cảnh quan xung quanh.
Trong khi đó, Công viên Thủ Lệ sau thời gian tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19 đã có một số cải tạo mới như thảm đường dạo quanh công viên, bổ sung ghế mặt gỗ lim làm chỗ ngồi...
Tuy nhiên, theo quy hoạch, vườn thú không có khu dịch vụ ăn uống nên bên trong khuôn viên chỉ có thể bố trí các ki-ốt nhỏ để bán đồ ăn nhanh, nước uống... Ngoài ra, với tổng diện tích là 18 ha nhưng có 9 ha là mặt hồ, phần đất dùng để làm khu chuồng trại, cây xanh và khu vui chơi khá hạn chế.
Cùng với việc cải tạo 3 công viên do thành phố quản lý, trong kế hoạch vừa ban hành, Hà Nội đưa ra danh mục 10 công viên và 22 vườn hoa cần sửa chữa ở mức độ 2, tức là tập trung cải tạo các khu vực chính và khu vực xuống cấp.
Đồng thời, thành phố yêu cầu đơn vị liên quan đôn đốc chủ đầu tư đẩy tiến độ, hoàn thành 6 công viên mới trong giai đoạn 2021-2026 bao gồm các công viên: Chu Văn An, CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.
Còn với anh Minh Hải, anh vẫn chưa hết ngạc nhiên vì cảnh tượng người dân chen chúc nhau vào công viên Thủ Lệ dịp cuối tuần hay dịp nghỉ lễ. Nhưng cho đến lúc Hà Nội cải tạo và xây mới các công viên như kế hoạch, vợ chồng anh vẫn lựa chọn trung tâm thương mại làm điểm cho con vui chơi cuối tuần vì "vừa hấp dẫn, sạch sẽ, lại vừa an toàn".