Dù đều được ví như những người “cha” của AI, hai nhà khoa học sau đây lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Nhà khoa học máy tính người Đức Jürgen Schmidhuber là giáo sư thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST). Ông nổi tiếng với công trình nghiên cứu về "mạng lưới thần kinh” (neural networks) vào những năm 90. Đây là nền tảng cho các mô hình xử lý ngôn ngữ như Google Dịch và Siri của Apple - tiền thân của các chatbot AI hiện nay.
Năm 2016, tờ New York Times ví Jürgen Schmidhuber như cha đẻ của AI.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu AI lâu năm, Schmidhuber cho rằng sự phát triển của AI là không thể tránh khỏi và chúng ta nên học cách đón nhận nó.
Nhà khoa học máy tính người Đức cho biết các chính phủ, trường đại học và công ty đang tìm cách phát triển công nghệ, nghĩa là đang có một cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI và không ai có thể ngăn cản được sự thật này.
“Chúng ta không nên ngăn chặn sự phát triển của AI. Nghiên cứu về AI vốn là để giúp cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn”, Schmidhuber nhận định.
Lập trường của Schmidhuber trái ngược với một số người cùng ngành, trong đó có Tiến sĩ Geoffrey Hinton, người đã rời Google đầu tháng 5 này sau một thập kỷ gắn bó với công ty.
Nếu Schmidhuber được báo chí ví như “cha đẻ” của AI thì Hinton được gọi là “cha đỡ đầu”. Hinton từng giành giải thưởng Turing vào năm 2018 cho công trình “deep learning” - nền tảng tạo ra phần lớn AI ngày nay.
Tiến sĩ cho biết các công ty như Google không còn thích hợp để quản lý AI do bị cuốn theo các cuộc đua công nghệ và lợi ích kinh tế. Ông tin rằng nếu AI trở nên thông minh hơn con người, nó có thể bị kẻ xấu lợi dụng, bao gồm các nhà lãnh đạo độc đoán.
Trong khi đó, Schmidhuber cho rằng những lo ngại trên là không cần thiết.
“Nếu không muốn AI bị kẻ xấu lợi dụng, ta chỉ cần phát triển những công cụ chống lại kẻ xấu từ chính AI. Có nhiều điều mà nhân loại cần lo lắng hơn là những cỗ máy vô tri này”, Schmidhuber nói.
Schmidhuber tin rằng AI sẽ phát triển vượt qua trí thông minh của con người vào năm 2050, nhưng sẽ coi nhân loại như những “con kiến” vô hại. Trong khi đó, chúng ta có thể tiếp tục hưởng lợi và sử dụng công cụ do AI phát triển.
Quan điểm của Schmidhuber khiến ông nhận nhiều chỉ trích. Một số người cho rằng sự lạc quan của ông về tốc độ tiến bộ công nghệ là vô căn cứ, thậm chí là “phản khoa học”.
Ngoài Hinton, nhiều chuyên gia công nghệ gần đây đã kêu gọi các nhà nghiên cứu chung tay kìm hãm sự phát triển của AI. Cuối tháng 3 vừa qua, hàng nghìn người bao gồm tỷ phú Elon Musk đã ký tên vào bức thư từ tổ chức Future of Life Institute với nội dung kêu gọi trì hoãn việc tạo ra các AI mạnh hơn GPT-4 trong vòng 6 tháng.
Musk tiết lộ rằng ông đã bất hòa với nhà đồng sáng lập Google Larry Page từ tháng trước do Page không coi trọng vấn đề an toàn của AI và đang tìm cách tạo ra một “vị thần kỹ thuật số”.