NHNN đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Chính sách này sẽ tác động ra sao tới kênh huy động vốn của DN? Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Châu Đình Linh cho rằng những đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách cần cái nhìn toàn diện hơn, chứ không chỉ là "mở" hay "siết".
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm của mình?
Trước giờ chúng ta có các nguồn vốn nước ngoài như ODA, FDI, FII, nhưng vẫn có sự e ngại vì cần phải quản lý về tài khoản vốn. Song bây giờ với xu hướng gia nhập sâu rộng các tổ chức quốc tế, bắt buộc chúng ta phải có lộ trình tự do hoá cán cân vốn trên tài khoản vốn, phải để cho những dòng vốn vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu vốn vay từ chủ thể trong nền kinh tế không được Chính phủ bảo lãnh. Điều cần lưu ý là dòng vốn này không được vượt quá tỷ lệ an toàn liên quan đến nợ vay nước ngoài mà Quốc hội đề ra, đồng thời phải phù hợp với luật pháp hiện tại của Việt Nam.
Tôi cho rằng, dự thảo Thông tư này đang gợi mở cho một dòng vốn mới, chứ không có động thái là khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay hơn. Nếu chỉ nghĩ theo chiều hướng chính sách đưa ra để siết chặt hoạt động này theo tôi chưa đủ, mà sâu xa hơn là chúng ta đang phần nào quản lý hiệu quả để có thể cởi mở, đón nhận dòng vốn vay nước ngoài từ doanh nghiệp trong nước hay từ các TCTD mà không được bảo lãnh bởi Chính phủ nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Ngay trong thuyết minh của NHNN khi đưa ra lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12 cũng nêu: mục đích Thông tư nhằm xây dựng điều kiện vay chặt chẽ và đã có tính đến mức độ rủi ro của từng đối tượng đi vay, đảm bảo các hạn mức, giới hạn vay nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Song mặt khác, vẫn hỗ trợ các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể.
Dự thảo cũng bổ sung các quy định giới hạn về mức vay nước ngoài của nhóm TCTD. Quan điểm của ông thế nào?
Như trong dự thảo, bên cạnh các điều kiện áp dụng chung với các bên đi vay thì có thêm điều kiện giới hạn vốn vay ngắn hạn hay đảm bảo tỷ lệ đảm bảo an toàn khi vay trung dài hạn. Đây là điều vô cùng cần thiết. Vốn ngắn hạn là chúng ta thực hiện bổ sung vốn lưu động nhằm tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thường xuyên, liên tục. Còn vốn trung dài hạn để tài trợ cho các dự án lớn… phù hợp với khía cạnh tài chính doanh nghiệp, khía cạnh rủi ro và sự phát triển bền vững. Không thể nào lấy vốn ngắn mà đi nuôi dài, điều này sai về bản chất, gây rủi ro kỳ hạn, rủi ro lãi suất, làm cho doanh nghiệp đó, hay TCTD đó bị mất cân đối về tài chính. Sau này chỉ cần lãi suất tăng lên thôi là khó chồng khó, rủi ro tỷ giá gia tăng.
Thực tế, Dự thảo Thông tư đã có sự "học hỏi" kinh nghiệm của nhiều quốc gia, đúc rút để có thể lường đón rủi ro khi vay vốn nước ngoài với giá rẻ phải đi cùng với đảm bảo an toàn vĩ mô, gắn liền với an toàn của hệ thống ngân hàng, gắn với hiệu quả sử dụng vốn vay của doanh nghiệp, của chủ thể trong nền kinh tế.
Vậy để quản lý dòng vốn này hiệu quả, cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?
Tôi cho rằng tính an toàn, thận trọng là điều phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó phải gắn với việc phát hiện và quản trị rủi ro phù hợp. Chúng ta khuyến khích dòng vốn nước ngoài chảy vào, song phải dựa trên sự an toàn. Đó là tổng tỷ lệ nợ vay nước ngoài của Việt Nam mà Quốc hội cho phép, quan tâm tới cán cân tài khoản vốn vì dòng vốn vào sẽ kéo theo những áp lực. Đơn cử như việc dòng vốn vào làm tăng tổng phương tiện thanh toán tạo sức ép lên lạm phát; hay áp lực liên quan tới tỷ giá, hoặc có thể làm nhiễu giá chứng khoán, giá bất động sản…
Do đó, NHNN phải rất thận trọng và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để tránh được những áp lực này. Cụ thể, theo tôi cần quan tâm chính sách tỷ giá có thể điều phối, trong đó gắn liền với các hoạt động phái sinh để cho các doanh nghiệp đi vay có nhận thức gia tăng về hoạt động phái sinh ngoại tệ. Muốn vay được vốn nước ngoài thì bắt buộc phải nắm rõ về bảo hiểm rủi ro tỷ giá này. Điều cần đặc biệt quan tâm nữa là tăng cường giám sát dòng vốn vào. Bởi giám sát đúng, hiệu quả sẽ cảnh báo sớm được rủi ro có thể xảy ra, giảm tác động tiêu cực tới tài chính vĩ mô của nền kinh tế quốc dân.
Xin cảm ơn ông!