Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
Xử lý tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ là giải pháp tình thế
Tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 14/02/2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho rằng xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia.
Việc điều hành giá nếu để ở mức cao sẽ có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và nền kinh tế. Ngược lại, nếu giá sát với chi phí thì sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 của Bộ Công Thương lần này rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm. Bởi Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, việc soạn thảo dự thảo Nghị định cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch.
Ông Tuấn cũng cho rằng thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý nghiêm tình trạng cây xăng đóng cửa, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, các cơ quan quản lý cần giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới là thị trường.
“Có doanh nghiệp chia sẻ, trong lịch sử hơn 20 năm kinh doanh xăng dầu, chưa bao giờ phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ, nhưng vẫn phải nhập hàng về bán, thậm chí không có hàng để nhập lại bị phạt”, ông Tuấn kể.
Chính vì vậy, việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. “Mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cũng khẳng định: Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây cũng là lý do mặt hàng xăng dầu luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. Vì thế, câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường, tính toán nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp một cách hài hòa.
Trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Hiện nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây.
Tuy nhiên, năm 2022 là năm rất đặc biệt, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biệt, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó, giá cả biến động biên độ mạnh, tần suất lớn, thời gian thay đổi nhiều.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho rằng bình thường chu kỳ biến động theo hình sin nhưng năm vừa qua lại biến động hình parabol dựng ngược, 6 tháng đầu năm dựng đứng, 6 tháng cuối năm lại dốc ngược giảm mạnh, sự rủi ro thấy rõ.
Song đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước tư duy lại cách thức điều hành xăng dầu, sử dụng công cụ của nhà nước thế nào, nhà nước nên can thiệp đến đâu để đảm bảo an ninh năng lượng, kiểm soát CPI, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
“Mỗi phương án lựa chọn có ưu, nhược điểm; có phương án phù hợp với thời điểm này nhưng không phù hợp thời điểm khác. Làm chính sách phải hướng tới lâu dài và tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, hiện tượng mang tính chất cực đoan”, ông Đông nêu quan điểm.
Doanh nghiệp đầu mối lỗ quá trời nhưng không dám nói
Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh Petrolimex, chia sẻ rằng kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng chịu nhiều áp lực. Hiện nay theo quy định, thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho 20 ngày nhưng biên độ giá lại quá ngắn, nên nếu giá xuống thì doanh nghiệp “chết” do tồn kho lớn.
“Do đó, lỗ của chúng tôi hơn của doanh nghiệp bán lẻ rất nhiều nên không đủ nguồn lực để chia sẻ thù lao chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Nên thay đổi điều chỉnh giá 10 hay 15 ngày cũng không thể bao quát được cả lượng tồn kho của doanh nghiệp”, ông Nam nói.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cũng cho biết chưa bao giờ như giai đoạn tháng 7 - 8/2022 vừa qua doanh nghiệp trong tình trạng suy sụp vì lỗ, “lỗ quá trời nhưng không dám nói”. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải nhập khẩu để cân đối nguồn hàng. Hàng năm doanh nghiệp chỉ được đăng ký một lượng hàng nhập nhất định từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu, nhưng nhập khẩu không hề dễ, có lúc phải mua giá "trên trời".
Hơn nữa, thanh toán tại Việt Nam bằng VND nhưng nhập khẩu phải trả bằng USD nhưng tỷ giá chênh lệch cũng khiến doanh nghiệp mệt mỏi. “Tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn, nhưng cũng cần hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp đầu mối về những sức ép thị trường và đảm bảo đủ năng lượng. Có lãi thì chia sẻ nhưng nếu lỗ thì lấy đâu ra mà chia”, ông Thoại chia sẻ.
Quỹ bình ổn giá để điều hòa nhưng cần phải xem lại đến thời điểm này quỹ còn phù hợp không. Nếu đưa về thị trường là đúng nhất nhưng cũng cần có thời gian điều tiết, không thể một sớm một chiều.
Tại hội nghị, 32 doanh nghiệp phân phối xăng dầu cùng kiến nghị, Bộ Công Thương không nên vội vàng sửa đổi, bổ sung hai Nghị định trên mà nên tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một cách rộng rãi (gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các hệ thống bán lẻ) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước, nhất là các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam nhằm mục tiêu Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho sản xuất, đời sống, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo các doanh nghiệp này, trước mắt, thực hiện các quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, đảm bảo ổn định kế hoach sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong đó, giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu “Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu” (Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021).
Đồng thời, giữ nguyên quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ 7- chủ nhật – ngày Lễ- Tết (Theo Điểm c, khoản 1, Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014).