Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc thị trường xăng dầu trong nước bị "rối" thời gian qua.
Theo đó ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Thị trường đang trong tình trạng “lộn xộn”.
Nguyên nhân được vị Chuyên gia này chỉ ra là do các giải pháp ứng xử, can thiệp từ phía các cơ quan quản lý chủ yếu vẫn xoay quanh mệnh lệnh hành chính (như kêu gọi, ra lệnh, kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép...). Thậm chí, nhiều đơn vị liên quan còn “đổ lỗi” qua lại về những bất cập trong điều hành.
Bên cạnh đó, do giá thị trường biến động liên tục nhưng chu kỳ tính giá trong nước thì dài dẫn đến những rủi ro về giá rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước. Do vậy, một số thương nhân đầu mối hạn chế nhập, nhập cầm chừng, thậm chí không nhập (trong khi sản xuất trong nước không có đủ nguồn thay thế).
Giá bán lẻ xăng dầu hiện nay không bù đủ giá vốn, gây lỗ cho doanh nghiệp (do các chi phí như Premium, tỷ giá...).
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng cơ quan quản lý phải nhìn vào thực tế thị trường để điều hành. Doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải làm công ích. Việc điều hành thời gian qua vẫn loay hoay, lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất:
Thứ nhất: Cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu (kể cả ở thị trường không có thuế xuất ưu đãi) và chấp nhận mức thuế suất cao vào trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhằm bám sát những thay đổi của thực tế, bao gồm chi phí và giá thị trường.
Thứ hai là điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (đã lỗi thời) theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ (bao gồm Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng quốc tế, chi phí đưa xăng dầu về đến cảng Việt nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, tỷ giá và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu).
Thứ ba, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh định mức của tất cả các khâu trong kinh doanh xăng dầu, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng (Nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức).
Thứ tư, bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối mua xăng dầu từ nhiều đầu mối. Quy định này khiến cho thương nhân đầu mối không thể chủ động nguồn cung cho các nhà phân phối. Có thể thay thế quy định trên bằng quy định một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, đăng ký tại hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà mình ký kết.
Nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 5 ngày. Chu kỳ 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán 2-1-2 tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ.
Ngày điều hành giá trong nước không đẩy lùi nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ Tết để phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới đồng thời giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với quá thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam