Ngày 17/11, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Trị sẽ phát triển các loại hình nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết giám sát của Nhà nước, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất.
Tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 27m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 31,5m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt khoảng 24,5m2 sàn/người. Phấn đấu phát triển tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 đạt khoảng 18-19 triệu m2 sàn (tăng thêm 3-4 triệu m2 sàn). Riêng diện tích nhà ở thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt từ 379 nghìn đến 965 nghìn m2 và diện tích nhà ở xã hội là 894,8 nghìn đến 1,1 triệu m2…
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 30,7m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 33,3m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt khoảng 28,7m2 sàn/người. Phấn đấu tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 đạt khoảng 21-23 triệu m2 sàn (tăng thêm 3,6-5,1 triệu m2 sàn).
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, tổng nhu cầu vốn cần để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 30,46 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho nhà ở thương mại (từ các nhà đầu tư) vào khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, nhà ở xã hội khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng. Đến giai đoạn 2026 -2030, nguồn vốn cần để phát triển nhà ở sẽ nâng lên 43,48 nghìn tỷ đồng, trong đó nhà ở thương mại là 16,3 nghìn tỷ đồng và nhà ở xã hội là 13,5 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở. Tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chặt chẽ năng lực của chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở nhằm đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án. Trong đó, ưu tiên các chủ đầu tư doanh nghiệp có phương án được đánh giá cao về giải pháp quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Bên cạnh đó, khuyến khích giao dịch kinh doanh bất động sản qua các sàn giao dịch bất động sản. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhà ở. Triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo thị trường bất động sản và nhà ở của tỉnh phát triển ổn định, lành mạnh, kịp thời xử lý các hiện tượng "sốt nóng", "đóng băng".