Trong tờ đơn xin nghỉ việc, ở dòng “lý do”, Quốc Trường (26 tuổi, quận 10, TP.HCM) viết 2 chữ: kiệt sức.
Cách đây không lâu, nhân viên tư vấn du lịch này xin kết thúc hợp đồng lao động, trở về quê nhà Bình Định. Tinh thần mỏi mệt, luôn hoài nghi vào bản thân, cùng với đó là thu nhập mãi không cải thiện là những lý do chính khiến anh quyết định rời bỏ công việc của mình.
Mắc kẹt
Tình trạng tâm lý nêu trên của Quốc Trường kéo dài khá lâu, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Công việc lĩnh vực du lịch bị đóng băng bởi dịch bệnh, anh chờ đợi từng ngày cơ hội quay trở lại với nghề.
Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới, nhân viên này vẫn không thể tìm thấy lối thoát tinh thần.
“Sau dịch, ngành du lịch trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Tôi khó tìm kiếm được khách hàng tham gia các tour do mình phụ trách. Nhiều ngày, tôi thức dậy và không còn muốn cố gắng nữa. Đầu tôi luôn thường trực suy nghĩ nghỉ việc, về nhà”, anh kể lại với Zing.
Theo khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 của Công ty tư vấn giải pháp doanh nghiệp Anphabe, có tới 42% nhân viên văn phòng thường xuyên đi làm trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng.
Trong đó, quản lý cấp trung và những nhân sự có thâm niên 2-5 năm là nhóm nhân sự đang cảm thấy áp lực nhất.
Một số ngành nghề dễ gây ra quá tải là ngân hàng, vật liệu xây dựng và một số ngành sản xuất.
Khảo sát nêu trên được thực hiện từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2022 với sự tham gia của 57.939 người lao động tại 515 công ty trên cả nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu vào năm 2020 của Savvy Sleeper trên 69 thành phố từ 53 quốc gia về tình trạng quá tải trong công việc cho thấy người lao động tại các thành phố ở châu Á và Mỹ có khả năng cao bị rơi vào tình trạng kiệt sức. Trong khi đó, các thành phố ở châu Âu có tỷ lệ thấp hơn, ngoại trừ London (Anh) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Hà Nội xếp thứ 7/49 trong danh sách kể trên với tỷ lệ nhân viên bị kiệt sức khi làm việc ở mức cao.
Cuối tháng 2, Kim Chi (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Sếp và đồng nghiệp của cô đều bất ngờ, họ luôn thấy giám đốc sáng tạo này làm việc đầy năng suất.
Chỉ riêng Chi mới biết mình gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe do cường độ lao động quá sức.
“Nhìn lại hình ảnh cách đây ít năm, tôi thấy ngoại hình của mình tệ đi quá nhiều. Tôi gầy đi hơn 6 kg, mất ngủ triền miên, tóc rụng từng mảng. Với tôi, ngày nào đi làm cũng như địa ngục”, cô nói.
Trước khi gắn bó với công ty vừa qua, Chi có 3 năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo tại Mỹ. Cô sinh sống cùng gia đình tại TP.HCM, được cha mẹ hỗ trợ sinh hoạt phí, ít phải lo lắng về tiền bạc.
Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Chi như “sinh ra ở vạch đích”. Nhưng với cô, kỳ vọng lớn từ người thân chính là gánh nặng khó buông bỏ.
Làm việc trong ngành quảng cáo, nhiều nhân sự quen thuộc với chuyện OT (làm thêm giờ) khi có dự án. Nhưng riêng với Chi, ngày nào cũng là ngày tăng ca.
“Tôi ngại về nhà nghỉ ngơi nếu công việc chưa hoàn thành, lo sợ ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bữa tối quen thuộc của tôi là mì ly trong căn-tin công ty. Tôi không nhớ đã bao ngày mình ăn uống như vậy”, cô kể thêm.
Liệu nghỉ việc có phải lối thoát?
Trước khi chính thức nghỉ việc, Quốc Trường từng nhiều lần muốn bỏ việc để về quê. Tuy nhiên, anh cảm thấy có lỗi với gia đình khi thất nghiệp, sợ không tạo ra kinh tế.
Tâm lý này càng khiến anh chìm sâu vào mớ suy nghĩ tiêu cực. Các biểu hiện bất thường thông qua thể chất là điều anh thấy rõ nhất.
“Tôi khó ăn uống, mất ngủ triền miên. Trước đây, chưa khi nào tôi gặp tình trạng như vậy. Có một giai đoạn, tay chân tôi dễ run lên bần bật, cơ thể mệt mỏi chỉ muốn nằm gục xuống”, anh kể lại giai đoạn khó khăn nhất.
Lúc này, Trường chọn cách chia sẻ với bạn bè, người quen. Nhiều người động viên anh nên nghỉ việc một thời gian, cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, tìm cơ hội mới.
Thế nhưng, nghỉ việc cũng không phải là giải pháp hiệu quả đối với trường hợp của Trường. Thất nghiệp về nhà, anh luôn sống trong tình trạng bất an vì không có tiền. Anh muốn tìm một công việc liên quan đến du lịch tại quê nhà nhưng khó tìm được nơi tuyển dụng.
“Tôi đi từ bế tắc này đến bế tắc khác, không còn kiệt sức vì công việc nhưng lại khốn đốn vì hết tiền”, anh nói.
Trong khi đó, Hà Vy (26 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM), chuyên viên tư vấn tại một công ty mỹ phẩm, cho rằng nghỉ việc chỉ là giải pháp tạm thời cho vấn đề sức khỏe của mình.
Giống như Quốc Trường hay Kim Chi, cô quyết định nghỉ việc cách đây không lâu. Bác sĩ khuyên cô cần tạm tránh xa các nguồn gây áp lực nhằm đối phó với chứng bệnh trầm cảm.
Kể về công việc, Vy cho rằng mình kiệt sức vì phải chạy theo doanh số, cạnh tranh với nhiều đồng nghiệp khác để thăng tiến, có mối quan hệ.
Trước đó, cô đã nhận thấy những dấu hiệu tâm lý bất ổn của mình như dễ xúc động, mất ngủ, thậm chí tự làm đau bản thân.
“Đôi khi, cảm thấy căng thẳng quá, tôi cắn tay đến chảy máu hoặc tự nhổ tóc đến hói một phần trên đầu. Tôi khóc hầu như mỗi ngày, khóc xong lại lau nước mắt quay lại làm việc”, cô cho hay.
Vy có kế hoạch nghỉ việc trong 2-4 tháng, sau đó buộc phải đi làm trở lại nhằm đảm bảo thu nhập, mức sống. Cô cho biết sẽ tìm một công việc đỡ căng thẳng hơn, chấp nhận mức lương giảm một chút.
“Tuy nhiên, công việc nào cũng sẽ có khó khăn, áp lực riêng của nó. Tôi không chắc khi quay lại làm việc, bản thân sẽ hoàn toàn vui vẻ, thoải mái”, cô bày tỏ.
Kiệt sức nghề nghiệp nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Hữu Phúc, thạc sĩ tâm lý học, giảng viên kỹ năng mềm tại Đại học Văn Lang, cho biết kiệt sức nghề nghiệp đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trong bảng Phân loại bệnh quốc tế, với các triệu chứng được mô tả do căng thẳng kéo dài tại nơi làm việc không thể kiểm soát.
Theo chuyên gia, tình trạng quá tải này có thể xảy ra ở bất kỳ mọi nhóm tuổi lao động, giới tính, ngành nghề nào.
"Các dấu hiệu rõ nhất khi một người bị kiệt sức vì công việc là họ mất đi động lực, cảm xúc, tinh thần và năng lượng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc mà còn là sức khỏe lâu dài của chính họ", ông nhận định.
Cũng theo ông Phúc, 3 nguyên nhân chính dẫn đến kiệt sức nghề nghiệp phần lớn đến từ đặc thù công việc của từng nhóm ngành, văn hóa, môi trường làm việc của từng doanh nghiệp và cuối cùng là khả năng chịu đựng áp lực, tự cân bằng cuộc sống, công việc của mỗi cá nhân.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông cho rằng chọn nghỉ việc như một cách "giải thoát" chỉ hiệu quả khi người lao động xác định được rõ mục đích của mình là gì.
Một là, nhân viên cần có kế hoạch chỉ "nghỉ giải lao" trong một thời gian ngắn, nhằm tái tạo năng lượng, rồi quay trở lại với công việc, tiếp tục tạo ra giá trị. Hai là, họ chọn nghỉ việc để chuyển hẳn sang một ngành nghề khác, có tính chất công việc phù hợp hơn với bản thân nhằm mục đích gắn bó lâu dài.
"Nếu việc nghỉ làm có thể làm các bạn cải thiện tâm trạng, lấy lại sức khỏe, tôi đồng ý rằng nên nghỉ việc. Song, nếu đã nghỉ việc nhiều lần, chuyển đổi nhiều công việc vẫn không thể thích nghi được, tôi cho rằng họ nên đặt câu hỏi ngược lại cho mình về khả năng thích nghi, khả năng sắp xếp công việc của bản thân. Lúc này, kiệt sức không còn đến từ tính chất công việc hay văn hóa doanh nghiệp", ông nói thêm.
Theo chuyên gia, khi gặp các vấn đề về sức khỏe và tinh thần, bao gồm các chịu chứng như mệt mỏi, uể oải, đau đầu, bệnh vặt, rối loạn tiêu hóa, chán chường công việc trong khoảng thời gian dài nhưng không thể tự vực dậy, chúng ta nên đến bệnh viện, trung tâm tư vấn để gặp các chuyên gia tâm lý trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ.
Trong khi đó, theo Channel News Asia, các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm một phần nhằm hạn chế tình trạng kiệt sức (burn-out) ở nhân viên.
Nike, LinkedIn và Bumble cho phép nhân viên của mình nghỉ việc một tuần có trả lương khi nhận thấy dấu hiệu kiệt sức; Citigroup cấm mọi cuộc gọi công việc vào thứ sáu; Scotland thí điểm cho nhân viên công sở làm việc 4 ngày/tuần với mức lương đầy đủ.
Điều quan trọng nhất, để thực sự ngăn chặn burn-out, người lao động cần được chẩn đoán sức khỏe tâm thần và có biện pháp can thiệp kịp thời. Việc này nên được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, được cấp phép.