Theo CGTN, dân số Hungary đang “rơi tự do” và có thể sụt giảm một triệu người trong vài thập niên tới. Chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích tài chính nhằm thuyết phục các gia đình sinh thêm con, nhưng chưa rõ những kế hoạch này có như mong đợi không.
“Tôi nghĩ còn quá sớm để gọi những phương án của Hungary là thành công. Hầu hết sáng kiến của chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh chỉ thành công trong việc khuyến khích người dân sinh con sớm hơn, thay vì tăng số lượng con nói chung”, bà Jennifer Dabbs Sciubba - chuyên gia nhân khẩu học, tác giả cuốn sách 8 Billion and Counting: How Sex, Death and Migration Shape Our World - chia sẻ với Zing.
Bà Sciubba cho biết Hungary chi tương đương 5% GDP cho các biện pháp hỗ trợ sinh sản, “vốn cực kỳ tốn kém và vẫn có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế”. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định nước này tương đối thành công hơn Nhật Bản và Hàn Quốc vì tỷ lệ kết hôn đã tăng trong những năm gần đây”.
Mức sinh thay thế là mức số trẻ mới sinh đủ để duy trì dân số ổn định. Tỷ lệ sinh ở Hungary hiện là 1,5, trong khi một quốc gia phải đạt 2,1 để đảm bảo dân số tăng trưởng ổn định.
Chính sách hỗ trợ hào phóng
Trên khắp châu Âu, chính phủ nhiều nước đã mang đến nhiều ưu đãi nhằm kích thích tăng trưởng dân số, trong đó có cả Hungary.
“Xu hướng nhân khẩu học của Hungary có động lực riêng biệt”, tiến sĩ Dupcsik Csaba - Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Budapest, chia sẻ với Zing.
Trong khi ở hầu hết quốc gia trên thế giới, dân số tăng nhanh trong giai đoạn thế kỷ XIX-XX, thì ở Hungary, sự tăng trưởng này tương đối chậm và sau đó chuyển sang giảm trong những năm 1980, ông nhận định.
Theo ông Csaba, trong khoảng hơn một thế kỷ đó, tỷ lệ sinh của Hungary đã giảm, song điều đó lại được “che đậy” bởi việc tỷ lệ tử vong trong giai đoạn đó lại có xu hướng tăng cho đến những năm 1980.
Vị chuyên gia viện dẫn số liệu cho thấy tỷ lệ sinh thô (tức số ca sinh/1.000 dân) của Hungary đã bắt đầu giảm kể từ giai đoạn 1980 trở đi. “Tuyên bố của chính quyền 'về sự thành công của Hungary' đã che lấp sự sự trì trệ của tỷ lệ sinh trong thực tế”, vị chuyên gia cho biết.
Theo số liệu của Statista, tỷ lệ sinh thô của Hungary trong giai đoạn những năm 1960-1970 duy trì ở mức 14,7. Vào năm 1980, con số đó bắt đầu giảm nhẹ xuống 13,9 và sau đó dao động quanh con số 9 trong giai đoạn tiếp theo. Vào năm 2020, tỷ lệ sinh thô của nước này là 9,6.
Để đảo ngược xu hướng trên, chính quyền ông Orban đã chi khoảng 5% GDP cho các chính sách khuyến khích sinh đẻ. “Không có tiền, bạn không thể đảo ngược những xu hướng tiêu cực”, ông nói.
Guardian năm 2020 đưa tin nhiều phòng khám thụ tinh ống nghiệm tại Hungary sẽ cung cấp các chu kỳ điều trị miễn phí cho tất cả phụ nữ muốn điều trị (miễn dưới 40 tuổi và không phải là đồng tính nữ). Ông Orban cũng từng cam kết gia hạn miễn thuế thu nhập suốt đời cho các bà mẹ có ba con.
Đáng chú ý nhất là các khoản vay khác nhau cung cấp một số tiền trả trước, dựa trên lời hứa sinh con trong tương lai. Một trong những khoản vay này cung cấp 10 triệu forint (27.100 USD) cho các cặp vợ chồng trẻ mới cưới.
Mỗi khi một đứa trẻ được sinh ra, các khoản thanh toán được hoãn lại. Nếu cặp vợ chồng có ba đứa con trong khung thời gian nhất định, khoản vay sẽ được xóa. Nếu không, họ phải trả lại.
Bettina, trợ giảng 32 tuổi đến từ làng Mágocs, miền Nam Hungary, đã cân nhắc đến “khoản vay chuẩn bị sinh con” vào tháng 3/2020.
Vào thời điểm đó, cô và chồng, một cảnh sát, đã có một con và đang lên kế hoạch cho một đứa con khác. “Khoản vay thật tuyệt vời. Nếu không có sự giúp đỡ này thì chúng tôi sẽ phải sống với cha mẹ hoặc trong điều kiện tồi tệ”, cô nói.
Cần đi theo chất lượng
Dẫu vậy, theo ông Bod Peter Akos - cựu thành viên Quốc hội Hungary, tình hình nhân khẩu học tại quốc gia này đang đi xuống. Kể từ cuộc điều tra dân số gần nhất, Hungary giảm 300.000 dân. Ông Akos cho biết con số này “cực kỳ quan trọng với một quốc gia có quy mô như chúng tôi”.
"Chúng tôi đang mất dần nhóm dân trẻ tuổi vì họ đi đến những quốc gia có mức lương cao hơn. Đây là nhóm thực sự quan trọng vì họ là người sẽ sinh em bé. 1/8 trẻ em của Hungary được sinh ra bên ngoài Hungary”, ông Akos nói.
Không chỉ di cư làm giảm dân số, tuổi thọ tại Hungary đang thấp hơn 5 năm so với mức trung bình 80 của Liên minh châu Âu. Hiện tại, số người chết mỗi năm tại Hungary nhiều hơn số người được sinh ra. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này được đảo ngược.
Zsolt Magyari và Szandra Kocsis chọn chỉ có một đứa con.
Họ nói trải nghiệm mang thai và sinh nở tại Hungary đem lại “sang chấn tâm lý”, và sẽ chỉ cân nhắc sinh thêm con nếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là thai sản, được cải thiện.
“Khoảnh khắc con trai chào đời là một trong những thời điểm xúc động nhất trong đời chúng tôi. Nhưng ngay khi nó chào đời, tôi đã bị tách khỏi con và vợ”, anh Magyari kể.
Cặp vợ chồng cho biết nhân viên bệnh viện đã bế ngay đứa bé đi vào thời điểm nó được sinh ra, không phải vì mục đích y tế và trái với mong muốn của họ. Y tá gửi lại đứa bé vào ngày hôm sau, nhưng cặp đôi nói đây là ví dụ cho thấy các nhân viên y tế tại bệnh viện công “thiếu tinh tế” tới mức nào.
“Thật tàn nhẫn! Họ bảo chúng tôi đi ngủ đi và hãy nghỉ ngơi. Đó là một trải nghiệm tồi tệ”, người vợ kể lại.
Trong khi đó, gia đình Szabo coi mình “may mắn”. Cách đây vài năm, họ xây dựng xong ngôi nhà ba phòng ngủ ở ngoại ô Budapest, với số tiền hỗ trợ họ nhận được từ chính phủ Hungary sau khi sinh đứa con thứ ba. Gia đình rất hoan nghênh chính sách này, nhưng khẳng định đó không phải lý do chính để họ sinh con.
“Chúng tôi là một trong số ít cặp vợ chồng thực sự muốn có càng nhiều con càng tốt, mà không hề nghĩ đến những tác động tài chính hoặc luật cụ thể”, người cha Attila Szabo chia sẻ.
Chính phủ Hungary nói các biện pháp tăng tỷ lệ sinh cần thời gian và sẽ mất một thập niên. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng thay vì cho vay và cắt giảm thuế, giới chức nên chi nhiều hơn cho việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và giáo dục, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng.
Theo bà Jennifer Dabbs Sciubba, các biện pháp nâng tỷ lệ sinh chỉ nhằm đúng mục đích này chắc chắn sẽ thất bại, bởi điều này chỉ bao hàm vấn đề chung, chứ không tính đến vấn đề từng phụ nữ hoặc cặp vợ chồng gặp phải những thách thức nào khi nuôi dạy con cái và làm việc.
“Nếu xã hội suy tính nhiều hơn về việc thiết lập cấu trúc cho phép người dân sinh đúng số con họ muốn, thì tác động phụ có thể là tỷ lệ sinh cao hơn một chút”, vị chuyên gia giải thích.
Bà cho rằng điều này đặc biệt dễ xảy ra ở những nơi mọi người sinh ít hơn số con họ mong muốn vì chi phí tài chính, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em, các định kiến giới tính hạn chế, ngăn cản phụ nữ làm việc và nuôi dạy con cái.
“Ở nhiều nơi, các bà mẹ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Việc thay đổi những luật lệ cũng như chuẩn mực sẽ giúp nâng cao mức sinh và tăng năng suất của người lao động, hơn là chi trả tiền mặt cho các hộ gia đình”, bà nói thêm.