Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý 1/2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022 (56.946 doanh nghiệp).
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2023 là 33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, số vốn đăng ký thành lập cũng giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý này là 23.041 doanh nghiệp, cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, trong quý 1/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%).
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đã được thể hiện rõ qua những số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1/2023 khi lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.241 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 doanh nghiệp).
Theo Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt, may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại….; giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5 – 10%; và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp…
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực quản trị nhằm tiết giảm chi phí sản xuất… phía Chính phủ, Bộ ngành và địa phương cần mở rộng hoặc nâng tần suất gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong thời gian tới.
Tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.
Đặc biệt, theo đại diện Vụ Thống kê Công nghiệp và xây dựng, cần kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp…; cùng với đó là các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới hay giúp doanh nghiệp cầm cự…