Trong các nguyên liệu sản xuất, thép và than luyện cốc bị ảnh hưởng mạnh bởi những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu. Sau khi tăng mạnh trong giai đoạn đầu xung đột giữa Nga-Ukraine (tháng 3-4/2022), giá than luyện cốc đã nhanh chóng hạ nhiệt từ tháng 5 do nhu cầu yếu. Mặt hàng này từng đạt đỉnh 625 USD/tấn vào giữa tháng 3 nhưng hiện đang giao dịch ở mức 272 USD/tấn. Giá đã tăng mạnh từ 200 USD/tấn lên 280 USD/tấn từ đầu tháng 8 do lệnh cấm nhập khẩu than Nga từ ngày 1/8/2022 của EU.
Sau đó, xu hướng tăng giá đầu vào đã dừng lại. Viễn cảnh các nhà máy đóng cửa ở EU do giá điện tăng kéo dài và nhu cầu thấp đã gián tiếp dẫn đến nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép của EU giảm. Nhu cầu thép ở Trung Quốc cũng phục hồi chậm do các vụ đóng cửa do Covid gây ra, cơn bão Mufia và thông tin chính phủ Trung Quốc xem xét cắt giảm sản lượng thép trong mùa đông cũng gây thêm áp lực lên giá nguyên liệu. Giá than luyện cốc đã giảm từ đầu tháng 9 trong khi giá quặng sắt ổn định trong khoảng 95-100 USD/tấn trong hai tháng qua.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá nguyên liệu có thể giảm tiếp trong quý 4 năm nay. Trong bối cảnh như vậy, VDSC đánh giá chi phí sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ chỉ thấp hơn một chút trong quý 3 so với quý 2 và sau đó sẽ giảm tiếp trong quý 4 khi mà HPG đã chủ động hạn chế dự trữ nguyên liệu và cắt giảm sản xuất trong tháng 7-8. Như vậy, một phần lớn thép bán ra trong quý 3 có thể được sản xuất từ nguyên liệu giá cao.
Ở chiều ngược lại, đà giảm giá thép dường như đã chững lại trong hai tháng qua tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, VDSC cho rằng giá cả có rất ít dấu hiệu phục hồi giữa những khó khăn của Trung Quốc và lo ngại suy thoái ở các nước phương Tây.
Tại thị trường nội địa, giá bán của HPG đã tăng trong những tuần gần đây, giá thép xây dựng tăng mạnh hơn giá thép dẹt. Tuy nhiên, tiềm năng tăng giá trong các tháng còn lại của năm có thể ở mức khiêm tốn. Việc mua thép xây dựng của các nhà phân phối đã tăng mạnh trong tuần đầu tháng 9, nhưng đó có thể chỉ là tác động tâm lý từ việc giá tăng. Mức tăng giá nhỏ giọt chỉ từ 100 – 200 đồng/kg mỗi lần của HPG và các nhà sản xuất thép khác, ngoài ra còn áp dụng riêng lẻ cho từng khu vực cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tăng chậm.
Mức tăng giá thép trong nước nhỏ giọt chỉ từ 100 – 200 đồng/kg
Theo VDSC, những khách hàng lớn của HPG là các nhà sản xuất tôn mạ và ống thép Việt Nam có khả năng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau trong một thị trường nội địa nhỏ trong những tháng tới để giảm lượng hàng tồn kho giá cao của họ. Tình hình như vậy có thể hạn chế HPG tăng giá chào bán đối với mảng thép dẹt, bao gồm HRC, tôn mạ và ống thép.
Quý 3 là đáy lợi nhuận năm 2022 của Hòa Phát
Có thể thấy quý 2/2022 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 2 năm trở lại đây đối với ngành thép và Hòa Phát (mã HPG) cũng không ngoại lệ. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ do biên lãi gộp giảm đáng kể trong bối cảnh chi phí đầu vào cao và giá thép giảm.
Tới tháng 7 và tháng 8, giá bán giảm, tiêu thụ HRC và tôn mạ giảm và chi phí sản xuất cao có thể dẫn đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ tiếp tục giảm trong quý 3. Tín hiệu tích cực là sản lượng bán hàng tháng 8 đạt 628.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 19% so với tháng 7 và tương đương cùng kỳ năm trước (620.000 tấn). Cũng theo đại diện HPG, trong quý 3, công ty đã giảm các khoản nợ bằng USD để hạn chế lỗ tỷ giá và có kế hoạch giảm tiếp trong quý 4, từ đó giúp cải thiện lợi nhuận.
Trong những tháng tới và năm 2023, VDSC kỳ vọng doanh số bán thép xây dựng sẽ phục hồi nhanh hơn so với thép dẹt. Tiêu thụ thép xây dựng hàng tháng trong quý 4 có khả năng bình thường trở lại sau khi tăng đột biến vào tháng 9 trong khi HRC và tôn mạ vẫn yếu do nhu cầu thấp từ các thị trường lớn (Mỹ và EU). Sang năm 2023, VDSC cũng kỳ vọng thép xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh hơn thép dẹt trên cơ sở triển vọng giải ngân đầu tư công của Chính phủ Việt Nam sẽ tăng tốc trong khi lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trên toàn cầu cho đến giữa năm.
Về dự án Dung Quất 2, sau khi khởi công vào tháng 5/2022, dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2024 và giai đoạn 2 từ cuối năm 2024. Với Dung Quất 2, tổng công suất của Hòa Phát sẽ tăng 66% so với cuối năm 2021 lên 14,6 triệu tấn/năm.
Trên thị trường, chốt phiên 20/9, thị giá cổ phiếu HPG tăng 1,32% lên 23.000 đồng/cp, tương ứng chiết khấu gần 35% so với hồi đầu năm 2022.