Luật Giá 2012 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn Luật Giá cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nội dung một số Điều, khoản tại Luật Giá hiện hành còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; hoặc một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc hiện đã có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật.
Mới đây, nhằm xây dựng và hoàn thiện sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó, nội dung đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngay lập tức vấn đề này nhận được sự quan tâm từ phía chuyên gia, doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh, cho biết, Quỹ bình ổn giá đã tồn tại được hơn mười năm nay, nó đóng vai trò nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu.
“Quỹ bình ổn giá có tác dụng khi thị trường biến động theo cả chiều lên chiều xuống. Tức là tăng và giảm, khi giảm thì chúng ta sẽ trích lập và khi tăng chúng ta sẽ xuất Quỹ. Vai trò của Quỹ bình ổn chúng ta có thể nhận thấy rõ rệt, tuy nhiên, với biến động quá lớn, chẳng hạn như chỉ tăng trong thời gian dài hoặc chỉ giảm trong thời gian dài thì vai trò của Quỹ bình ổn lại thành mờ nhạt” - TS.Vũ Đình Ánh phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, Quỹ bình ổn giá tại Việt Nam mới trích lập chỉ từ 350 - 650 đồng/lít xăng, cho nên không thể đáp ứng được nếu như giá thị trường tăng ở mức độ cao và liên tục. “Với các lý do như vậy, theo tôi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình và bây giờ chúng ta có thể mạnh dạn bỏ nó đi” - TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, rất khó để bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng muốn bỏ Quỹ này tuy nhiên hiện nay chưa phải lúc. Bởi nếu muốn bỏ Quỹ bình ổn mặt hàng xăng dầu cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn” - TS.Thịnh cho biết.
Đồng thời, TS. Đinh Trọng Thịnh còn cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng chỉ có tác dụng giảm đà tăng sốc của giá xăng dầu. “Vấn đề quan trọng là làm sao thực hiện đúng các quy định nhà nước về việc trích lập cũng như xử lý Quỹ bình ổn này. Khoảng 2-3 năm gần đây, công tác sử dụng Quỹ này đã được liên bộ công khai, minh bạch và cơ chế trích, xả Quỹ tương đối rõ ràng”- ông Thịnh nêu quan điểm.
Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lâu nay có hai luồng ý kiến trái chiều là “giữ và bỏ”. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng nên bỏ Quỹ này vì theo cơ chế thị trường, do thị trường tự điều tiết. Hơn nữa, Quỹ này về bản chất là do người tiêu dùng tự bỏ tiền ra, trong khi nhiệm vụ bình ổn đáng lẽ là của Nhà nước. Ngược lại, cơ quan chức năng cho rằng vẫn nên giữ Quỹ này, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước còn định giá và tần suất điều chỉnh giá tương đối dài, 10-15 ngày.
“Bản thân tôi cho rằng nếu thời gian điều hành giá xăng dầu được rút xuống còn 2-3 ngày/lần thì nên bỏ Quỹ bình ổn. Vì với tần suất điều hành ngắn như vậy, việc cân nhắc mức trích Quỹ, xả Quỹ bao nhiêu cho phù hợp cũng rất phức tạp, khó điều hành. Còn với tần suất điều hành 10 ngày/lần như hiện nay thì không nên bỏ Quỹ bình ổn” - ông Long nêu quan điểm.