Quan điểm của quỹ này về triển vọng nhóm ngân hàng thay đổi đáng kể sau khi bán ra hầu hết số cổ phiếu ngân hàng đưa tỷ trọng tiền mặt lên mức cao trong tháng 3. Bước sang tháng 4, quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital tiếp tục bán nốt ACB với tỷ trọng 6,37%, đưa danh mục sạch bóng cổ phiếu ngân hàng.
Danh mục của Ballad Việt Nam hiện gồm có BWE, DHG, FMC, PNJ, QTP, SGN, TLG, VNM, VTO. Tổng tỷ trọng cổ phiếu 28,96%, tỷ trọng tiền mặt tiếp tục lên cao nhất trong vòng 1 năm với 71,04%.
Hồi tháng 2, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital khi đó "ôm" đến 40,2% tỷ trọng là cổ phiếu ngân hàng đã nhận định sau những giai đoạn thận trọng cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán 2024 đã có những tín hiệu khởi sắc được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý 4 đã cho thấy bức tranh chung ngành ngân hàng bước dần qua giai đoạn khó khăn nhất với vùng đáy NIM, đỉnh nợ xấu và trích lập dự phòng đã được xác lập với các Ngân hàng Quốc doanh và Ngân hàng CP lành mạnh như ACB. Ở vùng định giá rẻ lịch sử như cuối 2023, không khó để cổ phiếu ngành này được thị trường định giá lại cho một triển vọng 2024 tích cực hơn.
Danh mục cổ phiếu ngân hàng của SGI Capital khi đó bao gồm một số cổ phiếu như ACB 11,29%, MSB 4,56%, CTG 9,16% , TPB 4,31%, VIB 4,21%.
Tuy nhiên, ngay sau đó quỹ đã bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục. Động thái bán ra hạ tỷ trọng của SGI Capital cũng phù hợp với tình hình kinh doanh của nhóm ngân hàng khi gây thất vọng lợi nhuận trong quý 1 vừa qua.
Cập nhật của FiinGroup đến ngày 5/5 ghi nhận mức tăng khiêm tốn ở ngành Ngân hàng tăng 9,6% trong bối cảnh tín dụng tăng thấp và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Mức tăng trưởng này kém xa mức tăng trưởng dự kiến cho cả năm 2024 (+19%) cũng như kỳ vọng của giới phân tích cho quý 1 12-15%.
SGI Capital cũng nhận thấy đang có nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán: áp lực đến từ tỷ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua; áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh (11 nghìn tỷ VND riêng trong tháng 3); áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý 2; và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên.
Trong khi đó, thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.
"Sau hơn 5 tháng tăng, một nhịp điều chỉnh và tích lũy là cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng và phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế", SGI Capital.
Cũng theo quỹ này, dưới áp lực của lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục, thị trường bất động sản cũng đang ấm lên với giao dịch sôi động hơn ở các thị trường lớn có nhu cầu sử dụng thực và nguồn cung hạn chế như chung cư và nhà phố. Sự sôi động của thị trường bất động sản nếu tiếp tục lan tỏa sẽ đánh dấu giai đoạn chuyển pha và dòng tiền vào kênh chứng khoán sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ kênh bất động sản.