Theo trang tin CNBC, Vision Fund mới đây đã báo lỗ quý IV/2022 là 730,35 tỷ yen trước thuế, trong đó riêng tháng 12 lỗ tới 660 tỷ yen (tương đương 5 tỷ USD). Tỷ suất hoàn vốn tại quỹ này cũng tiếp tục xấu đi khi dự kiến chỉ đạt 0% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 22% của toàn ngành.
Bên cạnh đó, tập đoàn SoftBank cũng báo cáo khoản lỗ ròng 783,4 tỷ yen do bị ảnh hưởng bởi đồng USD yếu.
Đây là khoảng thời gian khó khăn đối với cả SoftBank và Vision Fund, khi sự phục hồi trong giá cổ phiếu của các công ty mà quỹ đang nắm giữ cũng không thể bù đắp được cho sự sụt giảm từ khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Theo CNBC, những khoản đầu tư tại Vision Fund từng tạo ra hàng loạt kỳ lân hiện đã gần như chấm dứt. Nhiều công ty trong danh mục này thậm chí còn phải cắt giảm việc làm và thu hẹp hoạt động kinh doanh do bối cảnh suy yếu hậu đại dịch.
2 đại diện tiêu biểu cho các khoản đầu tư kém hiệu quả của SoftBank chính là công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc SenseTime với tỷ suất lợi nhuận suy giảm gần 60% trong năm qua, và tập đoàn công nghệ Indonesia GoTo với giá cổ phiếu tụt dốc 70% sau IPO.
Định hướng về hoạt động năm 2023, tỷ phú Masayoshi Son - nhà sáng lập SoftBank và cả Vision Fund - cho biết quỹ này sẽ chuyển sang chế độ "phòng thủ và thận trọng hơn" sau khi phải chịu khoản lỗ 3.500 tỷ yen trong năm 2022. Tuy nhiên, chính nhà sáng lập này lại vắng mặt trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh mà công ty vừa tổ chức vào ngày 7/2.
Cũng trong năm 2022, SoftBank đã bán lại nhiều khoản đầu tư cũ của mình để huy động tiền mặt. Cụ thể, vào tháng 8/2022, công ty này thông báo đã bán toàn bộ số cổ phiếu Uber mà mình đang nắm giữ. Trước đó, SoftBank cũng bán phần lớn cổ phiếu Alibaba thông qua hợp đồng phái sinh.
Ngoài việc cải thiện tình hình kinh doanh, Giám đốc tài chính của SoftBank - ông Yoshimitsu Goto - cho biết công ty còn có kế hoạch đưa nhà thiết kế chip Arm lên sàn chứng khoán vào năm nay.