Trong tháng 3, một loạt các quy định hành chính được ban hành (Nghị định 08, Nghị quyết 33, dự thảo Thông tư 16 sửa đổi) nhằm tháo gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, NHNN cũng mạnh mẽ đưa ra quyết định giảm lãi suất 2 lần trong vòng một tháng, qua đó phản ánh nỗ lực giúp thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau kết quả quý 1/2023 kém khả quan.
Động lực phục hồi từ dòng vốn ETF vẫn còn khi dư địa giải ngân của FUBON lên tới 2.300 tỷ đồng
Tại báo cáo triển vọng tháng 4, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định việc các chính sách mới được ban hành đã có tác động tích cực giúp kích hoạt dòng tiền đầu cơ trở lại thị trường đầy mạnh mẽ. Tính từ ngày 30/03 - 06/04/2023, thanh khoản toàn thị trường đã có 6 phiên liên tiếp bùng nổ, vượt mức 13.000 tỷ đồng/phiên.
Bên cạnh đó, sự lạc quan càng được củng cố khi dòng tiền dẫn dắt từ khối ngoại quay lại mua ròng hơn 2.700 tỷ đồng trong tháng 3. Sự trở lại của dòng tiền dẫn dắt ngay khi Nghị định 08-2023/NĐCP được ban hành phản ánh đánh giá tích cực của khối ngoại về các chính sách phục hồi nền kinh tế của NHNN và Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, dòng tiền ETF đã có sự hồi phục tích cực tháng vừa qua nhờ "cú hích" từ việc giải ngân trở lại của quỹ FUBON FTSE sau khi phương án tăng vốn lần 5 được thông qua và các quỹ ETF ngoại tới kỳ cơ cấu lại danh mục.
Chỉ trong tháng 3, các quỹ ETF ngoại đã giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, FUBON dẫn đầu khi mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng, iShares mua vào 425 tỷ đồng, KIM KINDEX mua khoảng 142 tỷ đồng… Trong khi đó, các quỹ ETF nội ghi nhận tình trạng dòng tiền âm với SSIAM và DCVFMVN30 ghi nhận tình trạng rút ròng mạnh nhất lần lượt hơn 120 tỷ đồng và gần 90 tỷ đồng.
Nhóm phân tích TPS đánh giá rằng trong tháng 4, động lực phục hồi của dòng vốn ETF là vẫn còn khi quỹ lớn nhất thị trường FUBON còn dư địa giải ngân hơn 3 tỷ TWD, tương đương xấp xỉ 2.300 tỷ đồng sẽ được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
3 kịch bản VN-Index trong tháng 4
P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 12,1 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16,x. Cho cả năm 2023, các chuyên gia TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến khoảng 10% và mức P/E forward định giá hiện tại chỉ tương đương 11,x.
TPS cũng lưu ý về tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 1/2023 và triển vọng cả năm được công bố đầy đủ trong tháng 4/2023 sẽ có sự sụt giảm. GDP quý 1/2023 thấp kỷ lục, chỉ số PMI và IIP suy yếu cùng xuất nhập khẩu sụt giảm là những tín hiệu dự báo về một mùa kết quả kinh doanh ảm đạm, qua đó sẽ kéo giảm dự báo tăng trưởng thị trường và làm định giá thị trường trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, sau khi các chính sách hỗ trợ thị trường được ban hành, tâm lý nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng thị trường trong thời gian tới. Điều này đã giúp chỉ số chinh phục hoàn toàn khỏi vùng kháng cự 1.050-1.060 điểm, vùng cản kìm hãm sự hồi phục của chỉ số kể từ đầu năm 2023. Hơn thế nữa, với việc bứt phá đầy mạnh mẽ cùng thông tin tích cực được công bố, thị trường đã kích hoạt được dòng tiền bắt đáy trở lại giúp thanh khoản bùng nổ trong những phiên giao dịch cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2023.
Đội ngũ phân tích TPS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong tháng 4/2023 như sau:
Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ trở lại trên đường SMA 200 ngày (quanh mức 1.100 điểm) để hướng lên cận trên của kênh giá tăng bắt đầu từ tháng 12/2022. (khoảng 1.160 điểm).
Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ biến động sideway với kháng cự là mức 1.100 điểm và hỗ trợ là vùng kháng cự đã bị vượt qua (vùng 1.050-1.060 điểm).
Ở kịch bản tiêu cực, nếu chỉ số xuyên thủng mức 1.060 điểm, khả năng cao chỉ số sẽ tìm về cận dưới của kênh giá tăng (quanh mức 1.030 điểm).