Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM vừa phối hợp UBND TP. Thủ Đức tổ chức hội thảo góp ý đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý TP.HCM gần sân bay Long Thành, có cảng biển lớn, các trường đại học lớn, có Khu công nghệ cao… Đồ án quy hoạch chung phải kế thừa tất cả những gì đã và đang xây dựng và phát triển sâu hơn để TP. Thủ Đức trong tương lai có hạ tầng đồng bộ.
Báo cáo đồ án quy hoạch TP. Thủ Đức, TP.HCM, yếu tố chống ngập được chú ý - Ảnh: VNE.
“Quy hoạch phải tạo ra giá trị, chất lượng để mỗi người dân cảm thấy có lợi ích, doanh nghiệp thấy được cơ hội chứ không phải chỉ đẹp cho chính quyền. Do đó, quy hoạch cũng cần nêu ra các cơ chế, chính sách để thực hiện và khai thác có hiệu quả những gì được quy hoạch và phê duyệt”, ông Hoan nhấn mạnh.
Đại diện cho đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế EnCity, nêu 10 điểm quan trọng mang tính chiến lược đối với TP. Thủ Đức, như: tạo quỹ đất công viên cây xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác yếu tố văn hóa lịch sử, cảnh quan sông nước, sử dụng đất linh hoạt, thích ứng để đón các cơ hội…
Quy hoạch TP. Thủ Đức cũng hướng đến đô thị đa tâm để tạo cơ hội khác nhau cho người dân. Do đó, ngoài trung tâm Thủ Thiêm còn có 2 khu vực khác là Trường Thọ và Long Phước…
Ngoài ra, hệ thống giao thông cũng là điểm quan ngại và cần hoàn thiện mạng đường để mở cơ hội đầu tư, gia tăng kết nối vùng cũng như phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn kết nối các trọng điểm phát triển và liên vùng, mục tiêu đáp ứng 40%-60% vào năm 2040.
Báo cáo quy hoạch TP. Thủ Đức, TP.HCM: Giao thông công cộng khối lượng lớn và kết nối liên vùng được chú trọng. - Nguồn: UBND TP Thủ Đức.
Đặc biệt, tình hình ngập nước tại TP. Thủ Đức có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng khi chịu tác động bởi sụt lún địa hình, biến đổi khí hậu, lượng mưa, mực thuỷ triều ngày càng tăng nhanh. Các đề án chống ngập hiện tại chưa làm rõ các giải pháp toàn diện để kiểm soát ngập cho TP. Thủ Đức.
Vì vậy, ông Dũng cho rằng TP. Thủ Đức cần phân lớp kiểm soát ngập để phù hợp với tình hình, điều kiện từng nơi nhằm thích ứng và giảm thiểu thiệt hại. Các giải pháp công trình để tạo không gian, kiểm soát ngập và mặn, cùng các hồ điều tiết cần được tính đến.
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc chống ngập của Hà Lan, chuyên gia đến từ TP. Rotterdam cho biết thành phố này đã xây dựng 4 kịch bản quản trị khủng hoảng trong bối cảnh ngập lụt, lượng mưa lớn, nhiệt độ tăng cao và hướng tiếp cận cho người dân ứng phó với kịch bản với mức nước biển ngày càng dâng cao.
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP. Thủ Đức sẽ tổng hợp và hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung tầm nhìn đến 2040 và dự kiến sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022.
“Sau khi Đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, Thủ Đức sẽ ưu tiên đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các khu vực phát triển đô thị và khu công nghệ cao”, ông Tùng nói.
Hình thành 8 khu trung tâm
Ngày 16/9/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1538/QĐ-CP “Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung của TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040”.
Theo đó, một số định hướng cụ thể phát triển thành phố mới, gồm: Quy mô dân số đến năm 2030 có 1,5 triệu dân, đến sau 2040 có 3 triệu dân; Quy mô đất đai để phát triển đô thị: đến năm 2030 ,sử dụng 18.830ha và đến 2040, sử dụng 19.994ha/21.156ha diện tích đất của toàn thành phố; Tính chất đô thị vùng TP.HCM.
Theo định hướng của TP.HCM, TP. Thủ Đức sẽ phát triển theo hướng đô thị thông minh, sáng tạo với 8 khu trung tâm.
Cụ thể: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái khu vực Tam Đa và đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ.