Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng 30/6/2022, Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.
THƯƠNG MẠI NÔNG SẢN TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới 7,61 tỷ USD, thị trường này chiếm 27,3% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022. Hoa Kỳ cũng đã vượt xa Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ với kim ngạch nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỷ USD (chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu của nông lâm thủy sản Việt Nam).
Trong số các nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản, Hoa Kỳ đang mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam. Trong đó, riêng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông sản sang Hoa Kỳ trong nửa đầu năm nay.
Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ kể từ năm 2020. Trong năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2020. Từ con số tăng trưởng ấn tượng này có thể thấy, đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cũng đang là thị trường mua nhiều nhất hạt điều của Việt Nam, với 75 nghìn tấn điều nhân chế biến, trị giá khoảng 450 triệu USD. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với tăng trưởng kim ngạch 6 tháng đầu năm nay lên tới 51,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 129 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đứng thứ nhất trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt tới 1,17 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết nhiều loại trái cây, nông sản đã và đang hoàn thiện các thủ tục đàm phán để được pháp xuất vào Hoa Kỳ. Mới đây nhất, Việt Nam đã gửi hồ sơ về quả bưởi và mong sớm được phía Hoa Kỳ phê duyệt, đây là loại quả nhiệt đới rất ngon và tin tưởng rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ rất thích.
"Hội nghị G20 năm nay sẽ diễn ra tại Indonesia vào tháng 11 tới. Chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình hoàn thiện thủ tục, đặc biệt là trước hội nghị G20 để cho thấy tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Jason Hafemeiser.
Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay Việt Nam đã cho phép Hoa Kỳ xuất khẩu 171 loại hạt giống cây trồng, 1 loại củ tươi (khoai tây), 12 loại cỏ và hạt giống cỏ, hom cỏ giống, hạt lúa miến Sorgum và 6 loại quả tươi.
Ngoài ra, Việt Nam đang phối hợp với Mỹ làm thủ tục mở cửa thị trường đối với quả bưởi chùm; chanh, quýt; đào/xuân đào, mận Nhật Bản và mơ có xuất xứ Hoa Kỳ.
Tháng 2/2020, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều doanh nghiệp đã sang Hoa Kỳ làm việc để tìm giải pháp tăng cường nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ.
Trong chuyến đi đó, có 18 văn kiện của các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam với các hiệp hội ngành hàng của Hoa Kỳ được ký kết. Điều này đã mang lại hiệu quả ngay lập tức khi năm 2021, tỷ lệ nhập khẩu thức ăn nuôi từ Mỹ đã tăng đến 64%.
"Với lợi thế không cạnh tranh mà là bổ trợ, hai nước tiếp tục xuất nhập khẩu những sản phẩm thế mạnh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhau”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
HỢP TÁC NHIỀU MẶT TRONG NÔNG NGHIỆP
Đề cập hợp tác về khoa học công nghệ nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cần tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất, ông hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Hoa Kỳ vì đây là lĩnh vực mà phía bạn có thế mạnh.
Riêng với ngành hàng lúa gạo, song song với duy trì năng suất, thì nâng cao chất lượng và giảm chi phí đầu vào cũng đang được quan tâm. Để giải quyết tốt hơn những khó khăn hiện có.
“Phía Hoa Kỳ quan tâm nhiều đến sản phẩm biến đổi gen, nên Việt Nam đã cấp phép cho toàn bộ 52 hồ sơ sự kiện biến đổi gen do các doanh nghiệp Hoa Kỳ nộp. Việt Nam ưu tiên làm thủ tục cấp phép cho các sự kiện biến đổi gen của ngô và đậu tương, phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại hội đàm, hai Thứ trưởng cũng trao đổi về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và sản xuất bền vững.
Theo Thứ trướng Lê Quốc Doanh, Việt Nam là quốc gia đã và đang bị ảnh hưởng sâu rộng bởi biến đổi khí hậu. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ là 2 khu vực nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam nhưng bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu.
“Việt Nam có nhiều chủ trương và cam kết với quốc tế để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài, đặc biệt là cam kết của Thủ tướng Việt Nam tại COP26 vừa qua, sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việt Nam đánh giá rất cao các sáng kiến của Hoa Kỳ về các vấn đề biến đổi khí hậu và Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào các sáng kiến này”, ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh hy vọng Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các sáng kiến toàn cầu.
Đáp lời, ông Jason Hafemeiser đã chia sẻ nhiều thông tin về phát triển nông nghiệp bền vững cũng như đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong hoàn cảnh hiện nay.
Ông Jason Hafemeiser cho rằng, có 3 vấn đề quan trọng đối với nông nghiệp hiện nay, gồm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân; đảm bảo nguồn lương thực cho 9 tỷ người và đảm bảo môi trường được bảo vệ an toàn. Để đối phó với nguy cơ từ an ninh lương thực thì ngành nông nghiệp cần thực thi hai giải pháp là tăng cường sản xuất hoặc tăng hiệu quả sản xuất.