Theo báo cáo của Q&Me, hậu Covid-19, TikTok đang là ứng dụng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất tại Việt Nam với khoảng 20 triệu người dùng. Trong đó, lượng người dùng ứng dụng hàng ngày tăng tới 74%.
Bên cạnh một số nền tảng như Facebook, YouTube hay Instagram, ứng dụng quay video ngắn TikTok nổi lên như một kênh kiếm tiền hấp dẫn dành cho giới sáng tạo nội dung. Trên hết, sự bứt phá cả về số lượng người dùng lẫn tương tác khiến TikTok dần trở thành “gà đẻ trứng vàng” với các KOC, KOL.
Tuy nhiên, sức hút của TikTok yêu cầu nhãn hàng, thương hiệu phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng cũng như hợp tác với nhà làm nội dung. Điều này vô tình trao cho các TikToker vô số quyền lực cùng khả năng tự quyết trên thị trường quảng cáo số.
Thu hàng trăm triệu đồng từ TikTok
Trước sự phát triển của nền tảng, dư luận bắt đầu đặt ra câu hỏi về thu nhập cũng như giá trị của các TikToker nổi tiếng nhất hiện nay như Lê Bống, Long Chun, Tun Phạm. Không ít lần trong quá khứ, những TikToker này tự nhận có thể kiếm số tiền tới 9 chữ số một tháng.
Thậm chí, vào đầu năm nay, TikToker Long Chun tiết lộ có thời điểm kiếm được gần 1 tỷ đồng . Tài khoản này đang có 5,7 triệu người theo dõi, tăng khoảng 600.000 lượt so với hồi đầu năm.
Trước đó, Tun Phạm - TikToker sở hữu 3 triệu người theo dõi - cũng từng khoe kiếm được khoảng 100 triệu đồng chỉ trong một tuần. Hay vào năm 2021, TikToker sở hữu 9 triệu lượt theo dõi Lê Bống khẳng định nền tảng đem lại khoản thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng.
Được biết, thu nhập của các TikToker trên ứng dụng chủ yếu đến từ hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng. Ngoài TikTok, một số người làm nội dung còn có thu nhập từ công việc kinh doanh riêng hoặc hợp đồng quảng cáo ngoài nền tảng.
Chia sẻ với Zing, T.A - quản lý của một công ty chuyên booking KOL - cho biết tùy vào nội dung, chiến dịch, mỗi bài post/video quảng cáo hợp tác với các TikToker có thể dao động 15-40 triệu đồng.
Với TikTok, chúng tôi không có khung giá cụ thể mà phụ thuộc chủ yếu vào người làm nội dung. Điều này khiến thị trường hơi hỗn loạn
T.A, quản lý của một công ty chuyên booking KOL
Trên thực tế, kết quả thu lại cũng chỉ tương đương những TikToker có lượng theo dõi và giá booking thấp hơn. Tuy nhiên, do đã có tên tuổi trong cộng đồng, nhãn hàng vẫn sẵn sàng bạo chi hợp tác cùng những cá nhân này nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.
Đồng quan điểm, P.C - đại diện một công ty chuyên tổ chức sự kiện, thầu quảng cáo cho thương hiệu - cho biết việc các “hot” TikToker kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng là hoàn toàn khả thi, thậm chí phổ biến.
Bên cạnh giá trị hợp đồng quảng cáo, nhãn hàng còn bỏ thêm hàng chục triệu đồng cho phí sử dụng hình ảnh. Đối với TikToker có lượng theo dõi từ 500.000-1 triệu, giá book hiếm khi dưới 15 triệu đồng/bài. So với những nền tảng mạng xã hội khác, khoản chi phí này tương đối cao.
Dẫu vậy, những báo giá này đa phần là tự phát. TikToker và nhãn hàng thường tốn nhiều thời gian thảo luận cho đến khi tìm được tiếng nói chung trong hợp đồng.
Các TikToker cũng từng công khai báo giá cho các hạng mục quảng cáo trên TikTok. Ví dụ như Tun Phạm, con số dao động 13-17 triệu đồng, Long Chun khoảng 25 triệu đồng. Với lượng theo dõi ngày càng lớn, con số này có thể cao hơn nhiều hiện nay.
"Được” đóng thuế thay
Theo P.C, thị trường quảng cáo qua các TikToker mới nhộn nhịp trong vòng 3 năm trở lại đây. Các TikToker rất đa dạng, phủ sóng nhiều mảng nội dung, ngành nghề. Để tránh rắc rối không đáng có, agency hay nhãn hàng đều cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng cũng như chuộng hợp tác với các TikToker chuyên nghiệp.
Nhận xét về thị trường KOL, KOC trên TikTok, T.A cũng cho rằng một số TikToker chưa thật sự chuyên nghiệp, đôi khi ảnh hưởng đến quá trình triển khai chiến dịch quảng cáo như trễ thời hạn, thiếu kịch bản rõ ràng.
“Vài TikToker còn yêu cầu phải thanh toán 100% trước khi lên bài. Nhưng yêu cầu sẽ không là vấn đề nếu kết quả của các bạn tương xứng”, T.A chia sẻ.
Đáng chú ý, mỗi hợp đồng luôn đi kèm điều khoản thuế TNCN 10-20%. Song, các agency, nhãn hàng sẽ là đối tượng đóng thay thuế TNCN cho các TikToker. Điều này có nghĩa TikToker sẽ không phải đóng bất cứ khoản thuế nào từ những hợp đồng này.
Tiết lộ thêm, P.C khẳng định các KOL đi sự kiện đều được bên thuê chịu hộ thuế cá nhân. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến ngân sách của agency hay nhãn hàng.
“Agency phải lấy tiền lãi để đóng hộ 20% thuế TNCN, nên nếu báo giá cho khách chúng tôi thường báo chênh thêm 30-40% so với giá KOL để không lỗ. Cái này chỉ người trong ngành biết, nó như một dạng luật ‘ngầm’”, vị đại diện kể.
Suy cho cùng, khách hàng, thương hiệu sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì tình trạng độn chi phí. Ngoài thuế TNCN, khách hàng còn phải trả phí quản lý và VAT cho agency.
Giả sử với thuế suất 20%, nếu có thu nhập khoảng 300-500 triệu đồng/tháng thông qua các hợp đồng quảng cáo trên TikTok, những TikToker nổi tiếng có thể được nhãn hàng gánh hộ 60-100 triệu đồng thuế TNCN. Nhìn rộng ra cả năm, con số này có thể vượt con số 1 tỷ đồng.