Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong công văn số 39 của UBND TP.Hà Nội ban hành về việc thực hiện biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá nhu cầu việc làm, lao động của các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đảm bảo cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho nhóm lao động có xu hướng từ các lĩnh vực đang gặp khó khăn sang các lĩnh vực khác, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023; đổi mới các nội dung và hình thức thông tin thị trường lao động, đảm bảo cập nhật thông tin nhanh, đầy đủ.
Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tư vấn học nghề cho lao động thất nghiệp, giới thiệu cơ sở đào tạo nghề đảm bảo điều kiện để người lao động thất nghiệp (hưởng trợ cấp thất nghiệp) tham gia đào tạo nghề, sớm quay trở lại thị trường lao động; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng giúp người lao động thất nghiệp tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.
Sở cũng cần phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả, quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; chủ động có giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
Thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; các chương trình dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
Tại công văn, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.
Liên đoàn Lao động chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng, đời sống người lao động, việc đi lại của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão để có các phương án cơ cấu lại lực lượng lao động những nơi thừa, thiếu cục bộ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với những người lao động yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Về phía Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định cho người lao động; nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho họ.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp ổn định quan hệ lao động; hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh; triển khai các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài, gây ảnh hướng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết.