Thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá.
Thực tế cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện, tham nhũng…
Thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 18 của Trung ương về “bỏ khung giá đất”, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được ban hành và đang lấy ý kiến, trong đó bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường.
Tại hội nghị lấy ý kiến về Luật đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với VCCI tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Điều này dẫn đến khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi.
Vì vậy, các ý kiến cho rằng, dự luật cần quy định rõ cơ quan quản lý giá đất độc lập với UBND cấp tỉnh, có nhiệm vụ quyết định giá đất từng địa phương. Cần làm rõ cách hiểu nguyên tắc định giá đất "phù hợp với giá phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường" là như thế nào.
Liên quan đến vấn đề này, tại họp báo Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 ngày 15/9, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc xác định giá đất theo thị trường thế nào là vấn đề rất khó, bởi giá đất tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội.
Vì thế, khi bảng giá đất theo thị trường được ban hành có thể giải quyết được vấn đề của đối tượng này, nhưng lại ảnh hưởng tới chủ thể khác. "Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa, chứ không thể nào đưa ra một giá đất thỏa mãn được mọi lợi ích của các đối tượng chịu tác động" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lấy dẫn chứng, khi Nhà nước thu hồi đất đai, hỗ trợ tái định cư, nếu giá đất theo thị trường người dân sẽ được lợi do được bồi thường cao hơn. Lúc đó việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đất đai sẽ giảm.
Ngược lại, chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho bồi thường, tái định cư sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, bảng giá đất cũng là căn cứ để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất nên các khoản chi phí này của doanh nghiệp cũng tăng theo.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng nêu vấn đề về đất giáp ranh giữa hai địa phương khi bỏ khung giá đất. "Trước đây có khung của Chính phủ để 2 địa phương liền kề đưa ra những bảng giá sát nhau, bây giờ trao thẩm quyền cho HĐND các địa phương thì giá lại vênh nhau. Trên cùng một con đường, nhưng giá đất 2 tỉnh khác nhau cũng gây ra tranh cãi" - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng khẳng định, mục tiêu sửa luật là xử lý vấn đề của thị trường bất động sản, xử lý hài hoà lợi ích các đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay việc sửa đổi mới ở giai đoạn bước đầu. Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp.
Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu, tới đầu năm sau sẽ tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi, phục vụ việc hoàn thiện về tài chính đất đai, giá đất.