Đối với 275.000 tài xế Amazon, việc phải giao đủ 10 triệu đơn hàng mỗi ngày trên khắp thế giới là vô cùng khó. Câu chuyện hồi năm 2021 về khối lượng công việc phi thực tế, phần mềm định tuyến lỗi hay đi vệ sinh trong…chai khiến ai nấy đều bàng hoàng trước môi trường làm việc khắc nghiệt tại hãng bán lẻ lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi những chiếc xe tải điện Rivian xuất hiện.
Amazon là nhà đầu tư lớn của Rivian - công ty xe điện niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2021 với kế hoạch chuyên sản xuất các loại xe tải, xe tải giao hàng và SUV. Kể từ tháng 7, Amazon đã cho lưu hành hơn 1.000 xe tải Rivian tại khắp 100 thành phố lớn của Mỹ, bao gồm Baltimore, Chicago, Las Vegas, Nashville, New York và Austin, Texas.
Mối quan hệ hợp tác bắt đầu vào năm 2019, khi người sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos thông báo việc Amazon mua 100.000 xe tải điện Rivian chính là bước tiến đầy tham vọng giúp hãng này đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2040.
“Năm 2020, các nguyên mẫu sẽ bắt đầu xuất hiện trên đường. Đến năm 2024, 100.000 chiếc sẽ được triển khai”, Jeff Bezos tuyên bố hồi năm 2019. Tuy nhiên, Amazon sau đó đã thay đổi kế hoạch, dự kiến lưu hành 100.000 xe tải Rivian vào năm 2030.
Theo CNBC, Rivian gặp nhiều thách thức trong những tháng gần đây và buộc phải cắt giảm sản xuất trong bối cảnh chuỗi cung ứng và dây chuyển lắp ráp gián đoạn. Cổ phiếu lao dốc đến nỗi Amazon ‘bốc hơi’ tổng cộng 11,5 tỷ USD giá trị các cổ phiếu nắm giữ trong 2 quý đầu tiên.
Phóng viên tờ CNBC đã có buổi nói chuyện với các tài xế Amazon về sự thay đổi trong trải nghiệm lái xe. Họ cũng tham dự sự kiện Delivering the Future của Amazon tại Boston vào tháng 11 để chiêm ngưỡng thứ công nghệ giúp tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả cho nhân viên giao hàng.
Hiện tại, hầu hết các tài xế của Amazon vẫn đang sử dụng khoảng 110.000 xe tải chạy xăng, chủ yếu từ hãng Ford. Gã khổng lồ thương mại điện tử này chuyển sang sử dụng DSP (đối tác dịch vụ giao hàng) để giao hàng kể từ năm 2018, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào UPS.
Được biết DSP, hoạt động độc quyền với Amazon, chuyên tuyển dụng tài xế, chịu trách nhiệm pháp lý, bảo dưỡng phương tiện và chi phí thuê nhân công. Những đối tác dịch vụ giao hàng này đã tạo ra doanh thu 26 tỷ USD và hiện đang hoạt động tại 15 quốc gia, bao gồm Ả Rập Xê-Út, Ấn Độ, Brazil, Canada và châu Âu.
Trong những ngày đầu thử nghiệm xe tải Rivian, một số tài xế bày tỏ quan ngại về phạm vi hoạt động. Đại diện Amazon cho biết mỗi chiếc xe tải có thể di chuyển tới hơn 240km sau mỗi một lần sạc, tức đủ năng lượng cho một ca làm việc. Về phần bảo trì, xe sẽ được đưa tới các trung tâm dịch vụ của Rivian gần trạm giao hàng bởi một nhóm dịch vụ di động, tùy thuộc vào địa điểm.
Julietta Dennis ra mắt DSP, Kangaroo Direct, tại Baltimore 3 năm về trước. Cô thuê khoảng 75 tài xế cùng hơn 50 chiếc xe tải từ Amazon.
“Ban đầu một số tài xế do dự vì phương tiện quá mới và khác biệt, tuy nhiên, ngay sau những trải nghiệm đầu tiên, đó chính xác là chiếc xe mà họ muốn lái”, Julietta Dennis nói.
Brandi Monroe đã giao hàng cho Kangaroo Direct được 2 năm. Cô cho biết các tính năng trên xe tải Rivian được nâng cấp nhiều so với trước. “Chúng tôi có thêm nhiều không gian hơn. Xe còn được trang bị đèn một cách rất sáng tạo giúp chúng tôi kiểm tra hàng và địa chỉ dễ dàng hơn nhiều, đặc biệt vào ban đêm”, Brandi Monroe nói.
Còn theo trí nhớ của cựu tài xế BJ Natividad, chiếc xe tải chạy xăng truyền thống rất chật chội. “Có lần tôi phải tìm cách nhét 24 gói và hơn 40 kiện hàng quá khổ trong vòng 15 phút”, Natividad phàn nàn.
Xe tải Rivian lại có thể khắc phục tối đa những điểm yếu này, với không gian chở hàng được thiết kế to gấp đôi so với Ford Transit. Tuy nhiên, chúng vẫn trong phạm vi cho phép để không phải cần thêm bất kỳ giấy phép đặc biệt nào.
Một tài xế ở Seattle cho biết anh đặc biệt hào hứng với những chiếc xe tải Rivian mới. Trải nghiệm thú vị đã được chàng trai này ghi lại trên kênh YouTube cá nhân với tiêu đề Friday Adventure Club, trong đó, công nghệ nổi bật nhất là chiếc máy tính bảng hiển thị tuyến đường với chế độ xem 360 độ.
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều chuyến giao hàng thử nghiệm. Tôi muốn đảm bảo rằng những chiếc ghế phải thật thoải mái”, Mai Le, phó Chủ tịch Last Mile của Amazon, nói. “Khi tài xế đi chậm lại, chiếc xe sẽ biết họ sắp tới điểm giao hàng. Bản đồ bắt đầu phóng to để tài xế nhanh chóng tìm thấy địa điểm và nơi có thể đỗ xe.” Các xe tải cũng sẽ tự động khóa cửa nếu tài xế cách xa 15 feet và tự động mở khóa khi họ tiến lại gần.
Ngoài ra, Amazon cũng đặt camera và cảm biến trên tất cả các xe, cho phép cảnh báo và hỗ trợ điều chỉnh tự động nếu xe đi chệch làn đường.
“Công nghệ an toàn trên xe có thể phát hiện các hành vi kém an toàn như lái xe mất tập trung, không thắt dây an toàn, vượt đèn đỏ…”, Beryl Tomay, phó Chủ tịch Last Mile, cho biết. “Trong năm qua, Amazon đã ghi nhận mức giảm từ 80% đến 95% các hành vi thiếu an toàn, qua đó giảm gần 50% số vụ tai nạn”.
Bên cạnh đó, Amazon cũng thêm nhiều chi tiết vào bản đồ điều khiển, sử dụng thông tin từ 16 nhà cung cấp bên thứ ba để hỗ trợ tài xế. Một hệ thống thu thập dữ liệu có tên Fleet Edge, hiện đã được lắp đặt trong vài nghìn chiếc xe tải. Fleet Edge sẽ thu thập dữ liệu thời gian thực từ camera và thiết bị GPS trong suốt lộ trình.
“Nhờ Fleet Edge, chúng tôi đã thêm hơn 120.000 biển báo đường phố mới vào hệ thống bản đồ Amazon. Độ chính xác của các vị trí GPS cải thiện gấp hai lần trong các khu vực thử nghiệm, qua đó tăng tính an toàn bằng cách thông báo các ngã rẽ sớm”, Tomay cho biết.
Theo: CNBC, Bloomberg