Mới đây, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM đã mở phiên tòa giám đốc vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng A. và ông Võ Trường T. (cựu giám đốc Công ty cổ phần N.).
Giám đốc đứng tên sổ đỏ, doanh nghiệp gặp khó
Theo hồ sơ, ngày 13/2/2015, ông T. ký 2 hợp đồng tín dụng vay tiền ngân hàng số tiền 10 tỷ đồng. Mục đích mua sắm phương tiện đi lại, tiêu dùng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất diện tích 408m2 ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông và công trình trên đất là cửa hàng kinh doanh xe máy. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông T. đã thanh toán hơn 1,6 tỷ đồng nợ gốc và 2,1 tỷ đồng nợ lãi.
Tính đến ngày 16/10/2017, ông T. còn nợ ngân hàng hơn 8,8 tỷ đồng. Năm 2020, ngân hàng khởi kiện ra tòa án yêu cầu ông T. phải trả nợ gốc và lãi là hơn 11,4 tỷ đồng.
Đại diện Công ty N. cho biết, ngày 15/12/2014, Hội đồng quản trị công ty đã quyết định mua tòa nhà để làm văn phòng với giá 16 tỷ đồng. Do các cổ đông góp vốn 6 tỷ đồng nên còn thiếu 10 tỷ đồng.
Công ty đã giao cho ông T. đàm phán vay vốn ngân hàng. Muốn vậy, ông T. Tạm thời đứng tên sổ đỏ và hàng tháng công ty chuyển khoản trả dần lãi và gốc tối đa 200 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ ngân hàng, ông T. có trách nhiệm sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty.
Trên thực tế, công ty đã chuyển khoản cho ông T. trả nợ gốc và lãi ngân hàng. Song đến tháng 7/2014, ông T. vi phạm pháp luật, bỏ đi khỏi địa phương. Do không liên hệ được với ông T., công ty buộc phải liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục nhận nợ và sang tên sổ đỏ.
Công ty khẳng định tài sản thế chấp thuộc sở hữu công ty và ông T. chỉ đứng tên tạm thời. Công ty chấp nhận thanh toán nợ để ngân hàng giải chấp tài sản.
Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm, ngân hàng đồng ý chuyển đổi quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp từ ông T. sang công ty. Năm 2020, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của ngân hàng, buộc công ty phải thanh toán tiền. Trường hợp công ty thanh toán xong, ngân hàng phải giải chấp tài sản là thửa đất 408m2 ở tỉnh Đắk Nông và công ty có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, đến ngày 8/2/2021, đại diện theo ủy quyền của ông T. có đơn đề nghị kháng nghị bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại quyết định ngày 23/4/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm trên. Kháng nghị cho rằng cần phải xác minh địa chỉ của bị đơn là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để chuyển vụ án cho tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết.
Doanh nghiệp nhận đấy là đúng bản chất giao dịch
Theo kết quả xác minh của tòa sơ thẩm, ông T. bỏ địa phương đi từ năm 2015 đến nay. Hiện ông T. đang có lệnh bắt giữ của C44 Bộ Công an.
Hội đồng thẩm phán cho rằng, tòa sơ thẩm đã tiến hành xác minh nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú của bị đơn theo quy định pháp luật là đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 35 và điểm a, khoản 1, Điều 39; điểm a, khoản 1, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3, Điều 5 Nghị quyết 04/2017 ngày 5/5/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, phù hợp với Luật cư trú.
Vì vậy, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là không có cơ sở chấp nhận.
Theo Hội đồng thẩm phán, công ty có biên bản của HĐQT ngày 15/12/2014 thống nhất về việc mua văn phòng công ty và ông T. tạm thời đứng tên sổ đỏ.
Trên thực tế, ông T. là người đứng tên nhận chuyển nhượng và được cấp nhận chủ quyền thửa đất trên. Vợ ông T. cũng có văn bản thỏa thuận đây là tài sản riêng của ông T.
Về phía công ty cũng xuất trình các ủy nhiệm chi thể hiện việc chuyển khoản cho ông T. số tiền hơn 3,7 tỷ đồng để thanh toán tiền mua văn phòng, tiền lãi vay và thanh toán một phần nợ gốc cho ngân hàng. Báo cáo tài chính các năm 2015,2016 của công ty đều thể hiện các khoản chi này.
Do đó, Hội đồng thẩm phán xác định, bản chất thửa đất trên là tài sản của công ty. Các giao dịch về hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tín dụng, thế chấp là do công ty thông qua ông T. thực hiện thay.
Vì ông T. bị truy nã, không phối hợp với công ty thanh toán nên. Do đó, tòa án buộc công ty thanh toán tiền và công nhận thửa đất cùng tài sản trên đất cho công ty là có cơ sở khách quan, đúng pháp luật và đúng bản chất giao dịch.
Với lý do trên, Hội đồng thẩm phán quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.