Phiên sáng nay, dầu WTI giảm 0,39 USD/thùng xuống mức 74,41 USD/thùng; dầu Brent giảm 0,36 USD/thùng xuống mức 80,41 USD/thùng.
Kết thúc phiên 13/3 ngày hôm qua, giá dầu thô WTI giảm 2,45% về mức 74,80 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,43% mức về 80,77 USD/thùng.
Qua hai phiên, giá dầu đã giảm liên tiếp hơn 2% khi các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc tác động tới từ vụ việc phá sản của Silicon Valley Bank (SVB).
Lực bán mạnh mẽ xuất hiện trên thị trường dầu thô từ phiên chiều cùng với thời điểm các thị trường chứng khoán ở châu Âu mở cửa và sụt giảm mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng tác động tiêu cực từ vụ việc của SVB sẽ lan rộng ngoài biên giới của nước Mỹ, và có thể chuyển thành một cuộc khủng hoảng tài chính mới, và làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô trên toàn cầu.
Không chỉ riêng SVB, nhiều nguồn tin cho biết, ba ngân hàng tiếp theo có thể phá sản bao gồm First Republic Bank, Pacific Westerns và Western Alliance, và điều này đã khiến cho dòng tiền bị rút khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu và phân bổ sang các loại tài sản an toàn như kim loại quý và trái phiếu.
Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 16 điểm cơ bản về 3,54%.
Tuy nhiên, đồng USD suy yếu cũng đã bớt đà giảm giá khi chỉ số USD Index đánh mất gần 1%, chỉ còn 103,60 điểm.
Có thể thấy, các rủi ro vĩ mô đang là yếu tố dẫn dắt thị trường dầu, và làm lu mờ các yếu tố cơ bản về cung cầu.
Trong hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ sẽ được công bố. Đây là số liệu quan trọng, và là một yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất của Mỹ trong cuộc họp vào cuối tháng 3.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng hơn 7%, trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về thời tiết lạnh giá ở Mỹ.
Bên cạnh đó, những gián đoạn nguồn cung tại New England do ảnh hưởng của việc đóng cửa nhà máy điện và các đường ống cũng phần nào hỗ trợ cho giá.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 13/3 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, Liên Bộ quyết định tăng 385 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 493 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.806 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.818 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, dầu diesel tăng 247 đồng/lít không cao hơn 20.502 đồng/lít, dầu hỏa tăng 241 đồng/lít lên 20.715 đồng/lít.
Kỳ điều hành này tiếp tục không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 250 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 0 đồng/kg (như kỳ trước).
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng sau 2 lần giảm liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên.