Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/7, chỉ số VN-Index giảm 0,90 điểm, tương đương giảm 0,08% xuống 1.173,92 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 0,63 điểm, tương đương giảm 0,22% xuống 281,36 điểm.
Thị trường có thể vẫn sẽ giao dịch trên ngưỡng 1150
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Thị trường đi lên trong phiên sáng, sau đó quay đầu đi xuống trong phiên chiều, kết phiên gần như không thay đổi so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/19 ngành giảm điểm; ngành tăng điểm tích cực nhất trong hôm nay là Bảo hiểm.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. VN-Index hình thành cây nến Doji trong hôm nay thể hiện rõ sự phân vân của nhà đầu tư trước ngưỡng 1170. Trong những phiên tới, thị trường có thể vẫn sẽ giao dịch trên ngưỡng 1150".
Định giá thị trường vẫn ở mức thấp nên mở ra nhiều cơ hội đầu tư dài hạn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"VN-Index kết thúc phiên giao dịch giảm điểm nhẹ dưới ảnh hưởng của VN30, khi VN30 phục hồi kém hơn ở trong phiên trước với khối lượng giao dịch suy giảm. Ảnh hưởng tiêu cực tập trung nhiều ở nhóm bán lẻ trước động thái đóng cửa nhiều cửa hàng kém hiệu quả của một công ty lớn. VN-Index vẫn duy trì trên vùng hỗ trợ ngắn hạn 1165-1170 với khối lượng giao dịch cải thiện, tăng 9,88% so với phiên trước. Độ rộng thị trường duy trì tích cực khi nhiều mã, nhóm mã tiếp tục nỗ lực, luân phiên phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự tương ứng trend_line xu hướng giảm giá kéo dài từ tháng 03,04/2022 đến nay.
VN-Index đang tạm thời vượt được trend_line giảm giá ngắn hạn nối giá cao nhất ngày 10/06/2022 tương ứng 1309,59 điểm, 1220,51 điểm ngày 30/06/2022 và 1208,96 điểm ngày 04/07/2022. Kỳ vọng tiếp tục phục hồi hướng đến vùng kháng cự ngắn hạn mạnh 1185-1190, và vùng tâm lý 1200-1211 tương ứng trend_line giảm giá ngắn trung hạn từ tháng 04/2022 kéo dài đến nay, cũng như vùng giá cao nhất năm 2018. Ảnh hưởng tích cực kỳ vọng vào nhóm ngân hàng khi một số mã ngân hàng đang dần thoát khỏi xu hưởng giảm giá kéo dài từ tháng 04/2022 đến nay, điển hình như MBB và một số ngân hàng như CTG, BID có thể kỳ vọng sớm kết thúc xu hướng giảm giá.
Định giá thị trường vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, với P/E thị trường đang ở mức 12.8, hệ số P/B trung bình toàn thị trường trong khoảng 1,4 trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng GDP Quý 2/2022 tăng 7,72% cao nhất trong thập kỷ qua. Mở ra nhiều cơ hội đầu tư dài hạn.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những mã cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng và giá đã giảm về vùng hấp dẫn".
Trong ngắn hạn, chỉ số có thể tiếp tục tranh chấp dưới 1.180
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Đà hồi phục của VN-Index tiếp tục bị chặn lại tại vùng cản 1.175-1.180 điểm. Mẫu hình nến Doji tại kháng cự, kèm với sự gia tăng của khối lượng giao dịch, cho thấy áp lực cung vẫn còn mạnh. Với tín hiệu nay, VN-Index vẫn còn cơ hội hồi phục lên vùng giá cao hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chỉ số có thể tiếp tục tranh chấp dưới 1.180 và chờ đợi sự đồng thuận hơn của dòng tiền. Do đó, Quý Nhà đầu tư có thể mua thăm dò cổ phiếu đang gần nền giá, và cân nhắc gia tăng tỷ trọng khi VNI-Index đóng cửa vượt 1.180 điểm".
Áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)
“VN-Index tăng điểm giằng co trong phiên trước khi dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm về cuối phiên. Vùng kháng cự gần quanh 119x đã cho phản ứng sớm và khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong những phiên kế tiếp, cơ hội hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao với vùng hỗ trợ gần được đặt quanh 1160. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ mở mua trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ đối với cổ phiếu mục tiêu nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro”.
Dòng tiền vẫn tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang gần đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1,190 điểm) trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần và dòng tiền vẫn tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, trên quan điểm thận trọng, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường. Đồng thời, nếu nhà đầu tư ngắn hạn chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp”.
Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có ưu thế hồi phục tốt
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"Các chỉ số chốt phiên giảm nhẹ trở lại với phần nhiều cổ phiếu vẫn tăng điểm. Phiên giao dịch hôm nay diễn ra trong trạng thái cân bằng với một số lần trồi sụt trong phiên và chốt phiên nghiêng về phía điều chỉnh. Nhóm ngành ngân hàng tăng tích cực trong khi nhóm Dầu khí giảm và các nhóm ngành khác có sự phân hóa đáng kể.
VN-Index kết phiên ở 1,173.92 điểm (-0.9 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1,216.94 điểm (-2.5 điểm). Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước và thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE quay lại mức trên 10 nghìn tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường cân bằng và tích cực nhẹ khi có 48% tăng điểm ; 14% đi ngang và 38% số cổ phiếu giảm điểm. Khối nhà đầu tư ngoại bán ròng khá mạnh trong phiên hôm nay với quy mô hơn 550 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào CCQ: FUEVFVND và các cổ phiếu: VCB; SSI; HPG; VIC; DXG…Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhẹ ở các cổ phiếu: MWG; VNM; HHV; CTG; PNJ…
Phiên giao dịch hôm nay cho thấy áp lực điều chỉnh bình thường sau khi tăng tốt ở phiên trước đó. Thanh khoản có sự cải thiện nhẹ khi trong nội tại thị trường có nhiều cổ phiếu tăng điểm. Dưới góc độ PTKT dấu hiệu cuối phiên hôm nay cho thấy khả năng điều chỉnh rõ rệt hơn trong phiên giao dịch ngày mai. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá quá trình này là bình thường và trong nội tại thị trường đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Do đó, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để cân nhắc gia tăng trạng thái cổ phiếu với những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu <=50% tài khoản. Thanh khoản hiện ở mức thấp và các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có ưu thế hồi phục tốt hơn so với những cổ phiếu vốn hóa lớn".
VN-Index đang dần chuyển sang trạng thái đi ngang
(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI –SSI)
“Trong các phiên tới, VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định lại vùng kháng cự 1.175 - 1.180 điểm. Nếu chinh phục thành công, đà hồi phục sẽ được mở rộng lên ngưỡng 1.200 điểm. Nhìn chung, VN-Index đang dần chuyển sang trạng thái side-way (đi ngang) trong kênh giá 1.150 – 1.200 điểm”.
Thanh khoản cải thiện, thị trường sẽ tiếp tục thể hiện những nỗ lực tăng điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index được duy trì ở mức Tích cực. Trong khi đó, dù có thể hiện nỗ lực nhưng VN-Index và VN30 vẫn chưa cải thiện được trạng thái kỹ thuật hiện tại (Tiêu cực) của mình.
Dự báo trong phiên ngày mai, với sự cải thiện của thanh khoản, thị trường sẽ tiếp tục thể hiện những nỗ lực tăng điểm để giúp các chỉ số kiểm định lại các kháng cự. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định kháng cự MA10, MA20 tại khu vực 1.175-1.188 điểm với điểm tựa cho lực mua ở vùng giá thấp là đường MA5 tại 1.168 điểm. Nếu lực mua có thể giành lại ưu thế từ lực bán, giúp cho VN-Index ít nhất có thể đóng cửa trên đường MA10 ngày, xu hướng hồi phục chậm của thị trường sẽ được củng cố và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, được đại diện bởi các chỉ số có tín hiệu kỹ thuật tích cực sẽ được hưởng lợi.
Ngược lại, nếu VN-Index giảm xuống dưới mốc 1.168 điểm khi đóng cửa, chỉ số có thể sẽ kiểm định lại hỗ trợ đáy gần nhất quanh 1150 điểm”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.