Bộ trưởng Công Thương vừa ban hành các quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân. Quyết định thu hồi của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 27/2.
Theo đó, các thương nhân bị thu hồi giấy xác nhận bao gồm: Công ty TNHH Thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà (Hà Tĩnh), Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng (Cần Thơ), Công ty CP Thương mại dầu khí Đại Long, Công ty CP xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng (Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang (An Giang).
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp gửi bản chính giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối về Bộ trước ngày 15/3.
Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc, hoặc thông qua các thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, khi các thương nhân phân phối bị thu hồi giấy phép, các đại lý trực thuộc các doanh nghiệp này hoặc các thương nhân nhượng quyền bán lẻ, đại lý phải tìm nhà cung cấp khác do quy định các đại lý bán lẻ/ doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn.
Bộ Công Thương cũng vừa có tờ trình lần 2 về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều hành giá xăng dầu rút ngắn xuống 7 ngày. Trường hợp giữa hai kỳ điều hành, nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5% thì Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá.
Đáng chú ý, trong dự thảo lần 2, cơ quan quản lý đã linh hoạt sửa đổi ý kiến và đề xuất sửa đổi quy định theo hướng cho phép đại lý xăng dầu lấy từ nhiều nguồn. Điều này nhắm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng.
Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng: 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khoảng 332 thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.