Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (SCD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần chỉ đạt hơn 39 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu, khoản tiền thu được từ bán hàng hóa và thành phẩm sụt giảm 30%, trong khi doanh thu từ kinh doanh đầu tư bất động sản đã tăng gần gấp 4 lần lên 6,3 tỷ đồng.
Tương tự các quý trước đó, dù ghi nhận lãi gộp từ hoạt động kinh doanh hơn 7 tỷ đồng, nhưng phần lợi nhuận này không đủ bù đắp hết chi phí phát sinh trong kỳ nên doanh nghiệp thường xuyên thua lỗ.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh, doanh nghiệp báo lỗ gấp 3 lần cùng kỳ, tức lỗ ròng 46 tỷ đồng trong quý IV/2023. Đây là mức lỗ ròng một quý cao nhất mà Sá xị Chương Dương ghi nhận được kể từ khi hoạt động và cũng là quý thứ 12 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.
Lý giải về kết quả kinh doanh kể trên, lãnh đạo công ty cho biết do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
"Các chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm đều tăng cao. Đồng thời, chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận", đại diện doanh nghiệp bổ sung.
Tính chung cả năm 2023, Sá xị Chương Dương có doanh thu thuần 126 tỷ đồng và lỗ sau thuế 119 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này đều đang kém xa so với mục tiêu doanh thu 365 tỷ đồng và khoản lãi 3,8 tỷ đồng được đề ra hồi đầu năm.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp nhà sản xuất nước giải khát này thua lỗ. Tính đến cuối năm 2023, bảng cân đối kế toán của Sá xị Chương Dương đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 200 tỷ đồng, kéo theo vốn chủ sở hữu âm hơn 11 tỷ đồng.
Sá xị Chương Dương từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía nam với sản phẩm sá xị con cọp nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của nhiều hãng nước giải khát nước ngoài, nước ngọt con cọp của Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần.
Lãnh đạo công ty này từng thừa nhận mạng lưới phân phối và bán hàng của Chương Dương đã suy giảm theo ngành hàng và công ty chưa có đủ nguồn lực, khả năng để phục hồi nhanh như các công ty đứng đầu thị trường. Trong khi đó, những ông lớn trong ngành còn bán phá giá, ký hợp đồng độc quyền với điểm bán, gây áp lực cho công ty về giá, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.