Ngày 26/12, TAND Hà Nội dự kiến xét xử Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm trong vụ án lừa đảo khiến 3 ngân hàng cùng một số cá nhân bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng.
Trong số 26 bị truy tố có 17 cựu cán bộ, nhân viên các chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietAbank). Nhiều người trong số này bị cáo buộc là đồng phạm, tiếp tay cho siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành.
Thẩm định hồ sơ lỏng lẻo
Theo VKS, giữa năm 2018, Thành đề nghị ông Đặng Nghĩa Toàn (ở Hà Nội) gửi tiết kiệm vào các ngân hàng do Thành chỉ định, trong đó có NCB, rồi đưa sổ tiết kiệm cho nữ bị can này quản lý. Đổi lại, Thành trả thêm lãi ngoài cho ông Toàn 4,2-4,5%/tháng.
Từ tháng 6/2018 đến tháng 8/2018, theo đề nghị của Thành, ông Toàn và vợ là bà Trang gửi 4 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 50 tỷ đồng vào chi nhánh NCB, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ. Sau đó, Thành và đồng phạm giả chữ ký vợ chồng ông Toàn để thế chấp các sổ tiết kiệm, lừa đảo tiền của ngân hàng.
Cáo trạng cho rằng để các phi vụ của Thành trót lọt, nhóm bị can là các cựu cán bộ, nhân viên chi nhánh NCB đã làm trái quy trình cấp tín dụng. Ngày 19/6/2018, sau khi có 4 cuốn sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn, bị can Nguyễn Thị Hà Thành và Giám đốc Công ty Jeongho Landmark Nguyễn Thanh Tùng mang 2 sổ (mỗi sổ trị giá 10 tỷ đồng), bổ sung một số giấy tờ khác rồi đến chi nhánh NCB đề nghị vay 19 tỷ đồng. Khi đó, Thành và đồng phạm lập khống hợp đồng kinh tế giữa Công ty Jeongho Landmark và Công ty Eurocell. Do Eurocell đã dừng hoạt động nên Tùng giả chữ ký của tổng giám đốc công ty này.
Tiếp nhận hồ sơ, Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp thuộc NCB) không thẩm định xem vợ chồng ông Toàn có đồng ý cho Thành thế chấp sổ hay không. Bị can Trung cũng không gặp khách hàng, không phát hiện Eurocell đã dừng hoạt động nên lập tờ trình đề xuất cho vay.
Theo quy trình, Trung phải trình đề xuất cho cấp trên trực tiếp phụ trách nhưng hôm đó, bị can trình thẳng cho Trần Thị Hoa (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, Giám đốc khu vực Tây Hà Nội của NCB). VKS xác định bà Hoa cũng không kiểm tra hồ sơ, mà đề nghị mở tài khoản cho Công ty Eurocell tại NCB.
Ngoài ra, 2 cuốn sổ tiết kiệm trên từng được thế chấp cho khoản vay trước đó của Công ty Jeongho Landmark nên khi thẩm định, Phạm Thị Ngọc Lan (Trưởng bộ phận của NCB) dùng luôn các văn bản của hồ sơ đã có, bổ sung thêm giấy tờ còn thiếu rồi nhờ Trung mang hồ sơ đi lấy chữ ký của Tùng và vợ chồng ông Toàn.
Tuy nhiên, Trung lại giao hồ sơ cho Hà Thành. Sau đó, Thành và Tùng giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn. Cuối cùng, từ hồ sơ có chữ ký giả, phía NCB đã giải ngân 19 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Eurocell. Sau đó, Thành dùng séc của công ty này rút ra và chiếm đoạt.
Ngoài ra, từ ngày 29/6/2018 đến 21/8/2018, VKS làm rõ Thành và Tùng tiếp tục dùng thủ đoạn tương tự, giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để thế chấp 3 sổ tiết kiệm. Từ đó, các bị can chiếm đoạt của Ngân hàng NCB tổng số tiền 28,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, vợ chồng ông Toàn khai họ không biết và không đồng ý cho Thành thế chấp các sổ tiết kiệm. Còn Thành và Tùng thừa nhận đã lập khống hồ sơ, giả chữ ký như cáo buộc để vay tiền từ NCB. Phía ngân hàng cũng xác định Nguyễn Hồng Trung, Trần Thị Hoa và các nhân viên liên quan đều có sai phạm.
Ngân hàng thừa nhận nhân viên làm trái quy định
Tại Ngân hàng PVcombank, VKS xác định đầu tháng 10/2018, Nguyễn Thị Hà Thành tiếp tục đề nghị ông Toàn cho vay 52 tỷ đồng bằng hình thức gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ. Vợ chồng ông Toàn chấp nhận gửi tiền và chia làm 3 sổ tiết kiệm.
Để có thể vay ngân hàng 49,4 tỷ đồng, ngoài thế chấp 3 sổ tiết kiệm trên, Hà Thành và Tùng nhờ Nguyễn Thanh Bình (em trai Tùng) và Trịnh Trung Kiên (Giám đốc Công ty Hoàng Nguyên) làm giả hồ sơ mua bán thép giữa Hoàng Nguyên và Công ty Jeongho. Ngoài ra, nhóm của Thành chuẩn bị thêm bộ hợp đồng khống, trong đó có quyết định bổ nhiệm Thành làm kế toán trưởng của Jeongho.
Sau đó, ông Đỗ Minh Đức (Giám đốc phát triển khách hàng doanh nghiệp miền Bắc) đã giao cho chuyên viên Bùi Văn Tuấn hướng dẫn Thành làm hồ sơ vay vốn.
Quá trình thẩm định hồ sơ, Bùi Văn Tuấn (chuyên viên thuộc PVcomBank) được giao mang hồ sơ đi lấy chữ ký của những cá nhân liên quan. Tuy nhiên, Tuấn đã đưa giấy tờ nhờ Thành lấy hộ chữ ký. Sau đó, Thành cùng Tùng tiếp tục giả chữ ký, lăn giả vân tay của vợ chồng ông Toàn vào hợp đồng cầm cố tiền gửi. Sau khi xong việc, Hà Thành đã cám ơn nhóm của Tuấn 5 triệu đồng.
VKS xác định khi mang bộ hồ sơ về, Tuấn nói rõ với ông Đức là Tuấn không gặp vợ chồng ông Toàn, mà nhờ Thành đi lấy hộ chữ ký. Sau đó, ông Đức kiểm tra mẫu chữ ký trên hệ thống, rồi ký duyệt đồng ý cấp tín dụng, đồng ý giải ngân 49,4 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Hoàng Nguyên. Từ đây, tiền được chuyển tiếp cho Thành qua tài khoản Công ty Jeongho và bị Thành chiếm đoạt.
Cũng như vụ việc xảy ra tại NCB, vợ chồng ông Toàn khai rằng họ không biết Thành sử dụng 3 cuốn sổ tiết kiệm như thế nào. VKS cáo buộc ông Đỗ Minh Đức và Bùi Văn Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự do sai phạm nêu trên, gây thiệt hại cho PVcomBank 49,4 tỷ đồng. Còn phía ngân hàng thừa nhận Bùi Văn Tuấn đã làm trái quy định về quy trình thẩm định hồ sơ.