Báo cáo với lãnh đạo TP.HCM hôm 30/1, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết năm 2022, đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đề ra. Trong đó, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng.
Riêng trong giai đoạn Tết Quý Mão 2023, ông cho hay gần 1.000 điểm bán của đơn vị đã phục vụ hơn 1,08 triệu lượt khách hàng trong 8 tuần cao điểm mua sắm.
"Năm 2023, chúng tôi phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ", vị tổng giám đốc chia sẻ với lãnh đạo thành phố.
Như vậy, đây là năm thứ 6 liên tiếp doanh thu của Saigon Co.op vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với con số 32.000-35.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2020, hệ thống bán lẻ này chỉ đang dần phục hồi, trong khi các đối thủ mới không ngừng vươn lên mạnh mẽ.
Dù vậy, với kết quả này, ông Nguyễn Anh Đức vẫn khẳng định Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Thực tế, doanh thu năm 2022 của Saigon Co.op vẫn nhỉnh hơn so với con số khoảng hơn 29.200 tỷ đồng của WinCommerce - hệ thống dẫn đầu năm 2021.
Theo công bố của Masan, biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng của WinCommerce đã đạt 6,5%. Đặc biệt, 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động, trong khi tỷ lệ này năm 2021 là 45%.
Dự kiến năm 2023, WinCommerce sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000-40.500 tỷ đồng, tăng 23-38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở 800-1.200 cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh và Central Retail đến nay vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm vừa qua. Trước đó, năm 2021, hai chuỗi bán lẻ này lần lượt ghi nhận doanh thu ở mức 28.200 tỷ đồng và 27.400 tỷ đồng.
Thị trường bán lẻ thực phẩm vẫn được xem là đại dương xanh khi có quy mô rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nằm ở các chợ truyền thống, cửa hàng hiện đại cũng đang phân mảnh bởi chưa có nhiều đơn vị có vị thế chi phối thị trường.
Dữ liệu từ Kantar cho thấy sau đại dịch, thị phần FMCG kênh siêu thị mini tăng mạnh lên 10%, gần gấp đôi mức 5-6% trước tháng 5/2021. Giá trị chi tiêu theo kênh siêu thị cũng tăng trưởng 20% ở các thành phố trọng điểm và 32% ở khu vực nông thôn, cho thấy sự chuyển dịch sang các kênh hiện đại.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, ước tính đạt gần 5,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 14,4%.