Theo hồ sơ tòa án tại bang Delaware (Mỹ), Bankman-Fried - người sáng lập FTX và 5 cộng sự của anh ta đã chuyển tổng cộng 3,2 tỷ USD vào tài khoản cá nhân thông qua “các khoản thanh toán và khoản vay”.
FTX, công ty từng sở hữu sàn giao dịch tiền điện tử trị giá 40 tỷ USD, đã bị phá sản vào tháng 11/2022 do các nhà đầu tư liên tục rút tiền, đồng thời không thể tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại. FTX thừa nhận họ không có đủ tài sản dự trữ để hoàn trả cho khách hàng.
Sự sụp đổ của FTX đã gây ra một cuộc khủng hoảng cho ngành công nghiệp tiền điện tử. Bankman-Fried, từng được xem là gương mặt đại diện cho ngành này, hiện phải đối mặt với 12 cáo buộc và đang chờ xét xử sau khi không nhận tội lừa đảo khi điều hành FTX. Anh ta bị buộc tội gian lận chứng khoán và rút tiền từ nền tảng này để thu lợi cá nhân.
Khoản tiền mà Bankman-Fried và các cộng sự nhận được chủ yếu đến từ Alameda Research, một quỹ phòng hộ giao dịch tiền điện tử có liên kết với FTX.
Ba người trong nội bộ FTX là Gary Wang, Nishad Singh và Caroline Ellison đã bỏ túi tổng cộng hơn 800 triệu USD. Họ đã nhận tội và đang hợp tác với các công tố viên. Trong đó, Ellison - cựu giám đốc của Alameda - khai rằng quỹ phòng hộ này có “hạn mức tín dụng không giới hạn trên FTX.com” từ năm 2019 đến năm 2022.
Phía FTX tiết lộ thêm, 3,2 tỷ USD mà Bankman-Fried và cộng sự nhận được chưa bao gồm “các khoản đóng góp chính trị và từ thiện”, “bất động sản cao cấp ở Bahamas” và “các khoản chuyển nhượng”, ước tính khoảng 240 triệu USD.
FTX hiện được dẫn dắt bởi giám đốc điều hành mới là John Ray. Ray và công ty đang nỗ lực khôi phục tiền điện tử và các tài sản khác để trả lại cho hàng triệu khách hàng, những người đã bị đóng băng tài sản kể từ khi công ty này phá sản.
Công ty cũng đã yêu cầu hoàn lại hàng trăm triệu USD đã quyên góp cho những người nổi tiếng, tổ chức từ thiện và các chính trị gia Đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Bankman-Fried đang bị giam giữ tại California cho đến khi phiên tòa bắt đầu, dự kiến vào tháng 10.