Trong hơn 3 thập kỷ, Samsung giữ vị trí dẫn đầu trong ngành sản xuất chip bộ nhớ, sản phẩm được dùng để lưu trữ dữ liệu điện tử. Nhưng lúc này, trong bối cảnh lợi nhuận từ sản xuất chip bộ nhớ bắt đầu đi xuống, gã khổng lồ Hàn Quốc đang chuyển hướng sang các sản phẩm chip xử lý tiên tiến nhất, với tham vọng cạnh tranh vị trí dẫn đầu của TSMC, theo Nikkei Asia.
Samsung hiện là một trong 3 công ty duy nhất trên thế giới sản xuất dòng chip tiên tiến nhất. Samsung đứng trên Intel và chỉ xếp sau TSMC của Đài Loan. Lúc này, công ty Hàn Quốc đang lên kế hoạch bắt kịp TSMC.
"Chúng tôi không hài lòng với vị trí thứ 2. Samsung không bao giờ thỏa mãn với vị trí thứ 2 trên thương trường. Chúng tôi rất cạnh tranh", Jon Taylor, phó chủ tịch phụ trách mảng thiết kế chip của Samsung tại Mỹ, cho biết.
Đầu tư mạnh tay
Tháng 10/2022, Samsung công bố lộ trình đầy tham vọng với mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng sản xuất chip xử lý tiên tiến. Theo kế hoạch này, tới năm 2025, Samsung sẽ chế tạo chip với kích thước 2 nanometer, và tới năm 2027 sẽ là 1,4 nanometer.
"Nếu hoàn thành mục tiêu, Samsung sẽ vượt qua cả TSMC. Nhưng nó là một chữ nếu lớn. TSMC là công ty duy nhất mà ngành công nghiệp chip bán dẫn tin sẽ đạt mục tiêu theo lộ trình họ đề ra", Dylan Patel, chuyên gia công ty tư vấn SemiAnalysis, nhận định.
Đề hoàn thành mục tiêu tham vọng, Samsung đang không tiếc tiền rót vốn vào các nhà máy sản xuất. Tại Taylor, Texas, gã khổng lồ Hàn Quốc đang xây một nhà máy chip bán dẫn trị giá 17 tỷ USD. Cơ sở này hứa hẹn sẽ cho ra lò những sản phẩm chip tiên tiến đầu tiên tại Mỹ từ năm 2024.
Tháng 2/2022, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chips và Khoa học trị giá 52,7 tỷ USD nhằm đưa ngành sản xuất chip quay trở về Mỹ sau 30 năm thị phần mất vào tay các nước châu Á. Tháng 2 vừa qua, các công ty như Samsung đã có thể nộp đơn xin hỗ trợ từ đạo luật này.
Jimmy Han, giám đốc sản xuất chip tại Mỹ của Samsung, khẳng định mục tiêu của công ty Hàn Quốc là trở thành nền móng cho ngành công nghiệp Mỹ.
Tại quê nhà Hàn Quốc, Samsung cũng đang đầu tư nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Samsung đã đầu tư 228 tỷ USD vào cụm sản xuất siêu lớn gồm 5 nhà máy. Cụm sản xuất này sẽ đi vào hoạt động đầy đủ từ 2042.
"Họ đang không ngừng chi tiền và chi tiền. Đó là cách để Samsung bắt kịp về mặt công nghệ, cho phép họ tiếp tục nắm giữ vị thế dẫn đầu", ông Patel nhận định.
Trỗi dậy mạnh mẽ
Samsung vừa trải qua quãng thời gian đầy biến động, khi hãng này rơi vào cuộc chiến pháp lý với Apple. Công ty Hàn Quốc cũng vướng vào rắc rối trong quá trình chuyển giao quyền lực nội bộ từ cố Chủ tịch Lee Kun Hee sang Chủ tịch Lee Jae Yong.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu chip toàn cầu do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung đứt gãy đã khiến Samsung thiệt hại không nhỏ. Năm ngoái, giữa làn sóng thoái trào của ngành công nghệ toàn cầu, cổ phiếu của Samsung mất gần 30% giá trị.
Nhưng lúc này, niềm tin cùng các nhà đầu tư đang trở lại. Cổ phiếu của Samsung đã tăng 28% trong 6 tháng đầu năm. Hôm 5/6, giá trị cổ phiếu Samsung trên Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đạt 56,5 USD, cao nhất trong vòng một năm. Morgan Stanley gọi cổ phiếu Samsung là lựa chọn hàng đầu.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Samsung một phần là kết quả từ cuộc chiến địa chính trị trong ngành chip giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hồi tháng 5, Trung Quốc cấm các sản phẩm của nhà sản xuất Mỹ Micron. Quyết định của Bắc Kinh mở ra thêm thị phần cho Samsung, giúp cổ phiếu của công ty Hàn Quốc tăng vọt.
Trong khi đó, Mỹ đã cho phép Samsung tiếp tục vận hành 2 nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc thêm một năm, dù từ tháng 10/2022, Washington đã cấm nhiều công ty xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất tới Trung Quốc.
Samsung cho hay công ty có kế hoạch tăng sản lượng tại nhà máy ở Taylor, Texas bởi nhu cầu của thị trường Mỹ ngày một lớn. Hiện nay, hơn 90% sản phẩm chip tiên tiến được sản xuất ở Đài Loan.
"Tăng cường khả năng sản xuất của nhà máy ở Taylor giúp Mỹ tự chủ nguồn cung cấp chip trong nước, không phải phụ thuộc vào các khu vực nhạy cảm", Jon Taylor, phó chủ tịch phụ trách thiết kế chip tại Mỹ của Samsung, cho hay.
Trong 30 năm qua, thị phần sản xuất chip toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% xuống còn 12%, chủ yếu bởi chi phí xây dựng và vận hành một nhà máy đắt hơn ít nhất 20% so với tại châu Á.
Theo ông Taylor, đạo luật Chips và Khoa học giúp Samsung vượt qua khó khăn về chi phí xây dựng, để công ty này tự tin mở rộng sản xuất ở Mỹ. Trong khoản đầu tư 17 tỷ USD vào nhà máy ở Taylor, 11 tỷ USD sẽ dành cho máy móc và thiết bị, bao gồm máy chế tạo chip hiện đại nhất sản xuất bởi Applied Materials.
Samsung hiện giảm dần sản xuất các loại chip bộ nhớ bởi thị trường ngày càng bão hòa. Ngoài chuyển hướng đầu tư vào dòng chip xử lý tiên tiến, công ty này cũng mở rộng sang chip tùy chọn dành cho các công ty toàn cầu như Qualcomm, Tesla, Intel hay Sony.
Lúc này, trí tuệ nhân tạo đang là cơn sốt mới của ngành công nghệ. Những ứng dụng dựa trên AI như ChatGPT đòi hỏi ngày càng nhiều chip xử lý với sức mạnh lớn hơn.
"Samsung đang đi sâu hơn vào mảng chip xử lý logic. Đó là chip phục vụ công nghệ AI, ứng dụng tương lai của ngành công nghệ chip bán dẫn", nhà báo Geoffrey Cain, tác giả cuốn sách "Sự trỗi dậy của Samsung", nhận định.
Khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo của Samsung tại Mỹ, Phó chủ tịch Taylor cho biết công ty sẽ xây dựng thêm các dây chuyền ở Texas để mở rộng hơn nữa năng lực sản xuất.
"Chúng tôi hiện chỉ có một nhà máy ở Taylor. Nhưng vẫn còn nhiều không gian để phát triển ở đó", ông Taylor nói.