Một số sân tennis, bóng đá, điểm vui chơi ngoài trời ghi nhận lượng khách giảm do nóng bức. Nhiều khách đã đặt khung giờ cố định trong ngày cũng phải hủy, chuyển sang ca tối, đêm.
Hơn 8h sáng thứ 6, anh Hải (ngụ quận 1) cùng nhóm của mình chơi tennis tại sân tennis Học viện, thuộc khuôn viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM (quận 10).
Đã tập luyện nhiều năm và thể lực quen với việc chơi thể thao ngoài trời, anh vẫn cảm thấy khó chịu khi chơi tennis giữa thời tiết nắng nóng những ngày qua.
“Nhóm chúng tôi thường chơi trong khoảng 8-11h. Những người chơi vào khoảng buổi trưa sẽ mệt hơn, dễ mất sức hơn do nắng nóng”, anh Hải nói với Zing.
Để tránh bị mất nước, anh Hải mang theo nước pha mật ong để uống trước và trong lúc tập. Những bạn chơi cùng với anh cũng mang theo nước từ nhà, có pha muối hoặc các chất điện giải để bù nước.
"Đây là khung giờ cố định chúng tôi đã đặt sân, khó đổi được qua giờ khác", anh giải thích.
Thời tiết nắng nóng kéo dài ở TP.HCM suốt vài tuần qua, với mức nhiệt dao động 35-38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%, gây oi bức, gây ảnh hưởng đến những người chơi và đơn vị kinh doanh dịch vụ thể thao ngoài trời.
Theo ghi nhận, một số cơ sở cho thuê sân chơi tennis, bóng đá giảm lượng khách và doanh thu vào cao điểm nắng nóng. Với các môn chơi ngoài trời, vận động, khách ưu tiên chọn khung giờ chiều tối (16-22h), thậm chí chơi đến nửa đêm để tránh nắng nóng.
Khách bỏ tập khung giờ trong ngày
Đại diện quản lý sân tennis Học viện nói với Zing thời gian nắng nóng, khách sẽ đông nhất trong khoảng 16-22h. Trong khi đó, các khung giờ trong ngày, nhất là khoảng 10h-14h, ít khách hơn. Những ngày mức nhiệt lên quá cao, sân gần như không có khách vãng lai.
“Những khách đã đăng ký theo giờ cố định từ trước vẫn cố gắng tập, dù trời nóng. Họ là dân chơi thể thao và đã quen với tập luyện ngoài trời”, đại diện sân giải thích.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở sân tennis Hoàng Long (quận Gò Vấp). Ông Hoàng Long (70 tuổi, chủ sân) nói với Zing vào những ngày nắng nóng, sân thường vắng khách vào khung giờ 12-15h, doanh thu giảm khoảng 20%.
“Chỗ tôi có 4 sân, phần lớn là các nhóm khách đăng ký chơi dài hạn theo tháng, với khung giờ cố định, khách muốn đổi giờ tập để tránh nóng cũng không có lịch trống để đổi. Vì vậy, vào tháng cao điểm mùa nóng như thế này, những khách tập khung giờ nắng gắt sẽ chủ động hủy đăng ký và chơi môn khác”, ông Long chia sẻ.
Ngoài nhận khách đăng ký theo tháng, sân còn nhận khách vãng lai. Tuy nhiên, những ngày nóng, nhóm khách này gần như không có.
Kinh doanh dịch vụ sân tennis đã 22 năm, ông Long nhận thấy mỗi năm nắng nóng lại gay gắt hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới những người chơi thể thao và dịch vụ xung quanh các sân chơi này như ông.
Sân tennis Hoàng Long không có mái che, chủ yếu làm mát từ hệ thống cây xanh trồng xung quanh. Khách thường tập trung chơi vào buổi sáng sớm và chiều tối. Dù giờ đóng cửa là 22h, nhân viên sân có thể phục vụ đến nửa đêm nếu khách có nhu cầu và trả thêm chi phí.
“Chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nhất vào hai tháng cao điểm mùa nóng và hai tháng cao điểm mùa mưa, doanh thu giảm. Những ngày mưa lớn, khách không chơi được ngoài trời, tôi sẽ chủ động giảm giá 50% cho họ”, ông nói thêm.
Chuyển sang chơi thể thao buổi tối
Anh Trung Nguyên, huấn luyện viên trưởng CLB bắn cung tại Galaxy Archery Club (quận 1), nói với Zing những ngày nắng nóng, khách chủ yếu chơi vào sáng sớm hoặc chiều tối, tới 21h.
“Thời tiết oi bức, ít khách chơi vào khung 10-15h. Nhân viên phục vụ vào giờ này cũng vất vả. Thời gian này mọi người chuyển sang tập trung chơi vào buổi tối, mát mẻ hơn. Trung tâm có lắp mái che tự động, sẽ kéo ra khi nắng gắt. Chúng tôi cũng bố trí quạt mát và ghế ngồi nghỉ cho khách, nhưng không ăn thua".
Anh Nguyên cho biết thêm vào ngày thường, trung tâm cho phép khách đặt chỗ online, tuy nhiên những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, CLB không nhận đặt trước. Cao điểm, nơi này đón 300 khách/ngày. Khu vui chơi sẽ mở cửa xuyên lễ 30/4-1/5, dự kiến lượng khách tăng 3-4 lần ngày thường.
Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết không chỉ riêng trẻ em dễ bệnh trong mùa nắng nóng, người trưởng thành, thanh thiếu niên cũng dễ gặp các vấn đề về say nắng, sốc nhiệt.
TS Công cho biết đã có trường hợp sốc nhiệt nặng do lao động liên tục trong môi trường nắng nóng kéo dài, phải đưa vào viện cấp cứu. Nếu tiếp xúc nhiệt cao trong thời gian dài, nhiều người có thể bị mất nước qua hơi thở, đổ mồ hôi, thậm chí rơi vào tình trạng rối loạn nước và điện giải. Trường hợp nặng hơn có thể bị sốc nhiệt.
Theo ghi nhận của Zing, dù chơi vào buổi chiều và tối, nhiều người chơi vẫn bị ảnh hưởng thể lực, nhanh mệt mỏi hơn vì tiết trời oi bức.
Mỗi chiều thứ 5, từ 16h30, Nguyễn Trần Thanh Sang (18 tuổi), cùng nhóm bạn lại tập trung ở sân bóng trên đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh) để chơi bóng. So với những tháng trước, tiết trời oi bức của tháng 4 khiến Thanh Sang nhanh thấm mệt, phải liên tục bù nước.
“Ngày trước, lúc trời mát, mình có thể đá cả một tiếng rưỡi, hai tiếng cũng không quá mệt. Bây giờ nóng quá, đá khoảng 30 phút đã không trụ được. Để tránh kiệt sức, tụi mình đá khoảng hơn 15 phút là thay phiên nhau ra nghỉ”, Sang nói.
Thanh Sang cho hay những ngày nắng gắt vừa qua, sinh hoạt cá nhân bị ảnh hưởng nhiều. “Buổi trưa ở nhà rất oi nóng, nhưng mình cũng không dám ra ngoài vì nắng gắt quá. Chỉ chờ buổi chiều tối mát mẻ, chúng mình mới tụ tập với nhau thế này”.
Cáp Kỳ (23 tuổi, nhân viên IT) và đồng nghiệp công ty cũng có lịch đá bóng cố định hàng tuần, khung 17h30-19h sau khi tan làm. Dù lúc này nắng đã tắt, nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp vẫn khiến Kỳ nhanh mệt.
"Có ngày chạy 15-20 phút là ngồi thở cả tiếng", Kỳ nói.
“Để tránh mất nước, chúng tôi thường uống các loại nước đóng chai có chứa điện giải. Thỉnh thoảng, tôi cũng áp dụng mẹo cắt đôi trái tắc, chấm muối rồi ăn, làm như vậy sẽ tránh được mất nước đáng kể”, anh nói thêm.
Theo quan sát của Kỳ, thời gian này sân bóng cũng vắng hơn so với trước. “Có thể do nóng nên mọi người hạn chế chơi thể thao. Khung giờ này bình thường kín sân, chúng tôi muốn đặt phải trước khá lâu, hoặc thuê cố định hàng tháng. Nhưng vài tuần gần đây lại trống khách, có nhiều đội chuyển sang đá lúc 21-22h hoặc tới nửa đêm để mát mẻ, anh em dai sức hơn”, anh nói.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong hôm nay (28/4), Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-65%. Từ ngày 29/4 nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần.
Từ ngày 28/4 đến 2/5, dự báo có mưa rào và dông vài nơi vào chiều tối, lượng mưa phổ biến từ nhỏ đến vừa. Riêng chiều tối ngày 30/4, có thể xảy ra mưa lớn ở một vài nơi. Trong ngày 3/5 đến 7/5, thời tiết phổ biến không mưa, khu vực trung tâm thành phố có nắng nóng nhẹ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, thấp nhất 25-27 độ C.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan nhận định TP.HCM đang vào đợt nắng nóng nhất năm, với mức nhiệt tăng hơn năm ngoái. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm thấp, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân đề phòng cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực đông dân. Ngoài ra, nắng nóng còn gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi làm việc ngoài trời.