Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)
Hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đều gặp rất nhiều khó khăn, Ngân hàng An Bình đã làm gì để vượt qua và tiếp sức cho khách hàng?
Đúng là hơn hai năm cực kỳ khó khăn đối với hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống của chính An Bình nói riêng. Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều, đầu tiên là chiều ảnh hưởng của khách hàng. Hàng loạt khách hàng của An Bình đã gặp khó khăn khi hoạt động kinh doanh của họ chịu tác động từ dịch, doanh số không phát sinh, chi phí vẫn liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Một số đơn vị đã không “gồng” nổi, phá sản.
Khách hàng cá nhân cũng tương tự, họ không được đi làm, thậm chí một số mất việc làm hoặc giảm thu nhập dẫn tới khả năng thanh toán các khoản vay bị ảnh hưởng, nhiều gia đình mất nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống.
Với tình hình như vậy, chúng tôi phải cùng chung tay với nhiều ngân hàng khác và cùng với Chính phủ để hỗ trợ cho các khách hàng của mình. Tính đến nay có hơn 2.500 khách hàng được An Bình hỗ trợ thông qua hình thức như giảm lãi suất, hay cơ cấu lại nợ.
Nếu nhìn bên ngoài thì thấy cơ cấu nợ là cách thức tương đối bình thường với các ngân hàng, nhưng nếu nhìn ngân hàng như một doanh nghiệp thì có thể thấy ngay những tác động từ công tác này. Ví dụ, khách hàng vay 3 năm hoặc 5 năm, khi cơ cấu lại thì đẩy toàn bộ tiền nợ gốc và lãi tới thời hạn 3 hoặc 5 năm sau. Đó là một khoảng thời gian rất dài và sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của ngân hàng. Những câu chuyện như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh chung của ABBank.
Khó khăn nữa là trong thời gian Covid-19 chúng tôi có nhiều chi nhánh phải tạm thời đóng cửa vì tiếp xúc với nguồn lây, hàng trăm nhân viên bị nhiễm bệnh không thể đến văn phòng. Đó là những chia sẻ rất hạn hẹp thôi, nhưng qua đó để thấy chúng tôi cũng đã thực sự gặp nhiều thách thức, không kém gì các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, trong những năm Covid-19 khách hàng đều gặp khó, vì vậy họ hạn chế một cách tối đa các nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng, đầu tư. Do đó, ngân hàng với vai trò là người cho vay hay kênh thanh toán thì tăng trưởng dư nợ hay phí dịch vụ trong những năm Covid-19 rất chật vật để phát triển.
Chúng tôi chỉ cố gắng giữ để dư nợ được duy trì một cách bình ổn hơn là việc mình đẩy dư nợ lên cao trong giai đoạn rủi ro cao như vậy. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn phải kiểm soát việc huy động. Ngân hàng không phải thực thể tự sinh ra tiền, mà nó là thực thể nhận huy động và sau đó dùng nguồn vốn từ huy động và nguồn vốn ngân hàng tự có để cho vay.
Nếu như trong trường hợp đầu cho vay không đẩy được thì phải kiểm soát phần đầu vào là phần huy động để đảm bảo được các yếu tố an toàn và hiệu quả hoạt động. Đầu tiên là chi phí huy động phải ở mức độ hợp lý, để tránh gánh nặng lên hiệu quả chung của toàn ngân hàng.
Tiếp theo nữa rất quan trọng, đó là phải kiểm soát chi phí hoạt động. Trong 2 năm dịch Covid-19, chúng tôi tập trung vào tái cơ cấu tổ chức, rà soát lại các chính sách, chiến lược và vấn đề đào tạo, đặc biệt chúng tôi sử dụng đào tạo online rất nhiều.
Ngân hàng Nhà nước vừa triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31; trong đó, tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, theo ông, vì sao Chính phủ lại lựa chọn nhóm khách hàng này?
Trong góc nhìn của chúng tôi, tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân là hai nhóm khách hàng có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo khảo sát hiện nay trên thị trường thì hai nhóm này hiện vẫn sử dụng các dịch vụ ngân hàng tương đối ít và thấp.
Trên thực tế khi chúng ta nhìn vào nền kinh tế của Việt Nam, thì hai nhóm khách hàng này có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Nói như vậy không có nghĩa mảng khách hàng doanh nghiệp lớn không đóng vai trò quan trọng nữa.
Tuy nhiên ở mức độ cạnh tranh, thì các doanh nghiệp lớn đang là khách hàng của rất nhiều ngân hàng, chính mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau sẽ tạo nên điểm thiếu hiệu quả khi tất cả đều tập trung vào nhóm khách hàng này. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân được chúng tôi xác định là hai nhóm khách hàng mục tiêu trong tương lai.
Theo ông, tại sao Chính phủ lại muốn giải ngân qua hệ thống ngân hàng thay vì đưa tiền trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng như một số nước đã làm?
Có hai lý do chính để Chính phủ lựa chọn nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ.
Một là, hai năm vừa qua nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động lớn nhất. Bản chất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là vốn nhỏ, dòng tiền của họ phải di chuyển, dịch chuyển liên tục thì mới tạo được hiệu quả, nhưng hai năm qua, họ bị cụt cả về vốn và nguồn nguyên liệu, mất luôn cả đầu ra cho sản phẩm. Phần vốn tắc nghẽn hoàn toàn.
Hai là, Chính phủ đánh giá, đây là nhóm có tiềm năng phát triển mạnh nhất, trong tương lai họ sẽ đóng những vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế. Sự sinh động của nền kinh tế thực ra phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải doanh nghiệp lớn.
Khi lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ về vốn, ưu đãi lãi suất, chúng ta phải đảm bảo được rằng, việc hỗ trợ đó nó đi vào đúng người, đúng việc, đúng mục tiêu và phải được chuyển hóa thành các kết quả cụ thể.
Hiện nay, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng như trên toàn cầu vẫn có hệ thống quản lý tương đối kém phát triển. Sự kém phát triển này thể hiện ở các công cụ quản lý của công ty cho tới hệ thống kế toán và quản lý các phần sản xuất.
Khi chúng ta không quản lý được một cách hiệu quả, chính xác công tác hỗ trợ và nếu không đi thẳng một cách trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà nguồn tiền hỗ trợ này chạy qua các mục đích khác (như đầu tư bất động sản), thì hiệu quả của chương trình hỗ trợ sẽ bị giảm xuống.
Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn các ngân hàng thương mại làm kênh để thực hiện việc lựa chọn, phân phối và bên cạnh đó là giám sát đối với nguồn tiền hỗ trợ khi “bơm” vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết.
Về việc chuẩn bị cho Nghị định 31, chúng tôi đã thực hiện một loạt các công tác có liên quan: (i) An Bình đã xây dựng một tổ công tác để triển khai Nghị định, tổ công tác này bao gồm một loạt các Khối, Ban để xây dựng toàn bộ kế hoạch; (ii) quy trình; (iii) các chương trình hành động cụ thể.
Bên cạnh đó, ABBank cũng tính toán ra khối lượng mà chúng tôi có thể tham gia. Chúng tôi đã thực hiện việc đăng ký số vốn mà An Bình sẽ tham gia vào chương trình từ năm 2022 đến hết năm 2023. Số dư nợ mà chúng tôi tham gia vào chương trình tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng.
Với An Bình, đây là một khoản khá lớn. Tính tới thời điểm tháng 5/2002, dư nợ của Ngân hàng An Bình đạt khoảng 84.000 tỷ đồng, tính ra số dư nợ đăng ký vào chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 31 sẽ vào khoảng 15 - 20%.
Theo ông, khi thực thiện việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng thương mại cần đặc biệt chú ý đến yếu tố nào để nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả như kỳ vọng của Chính phủ?
Thực ra công tác chọn lựa, ký hợp đồng, giải ngân... gói hỗ trợ này cũng là những quy trình tương đối thông thường mà các ngân hàng thương mại vẫn đang làm với các khách hàng.
Nhưng điểm khác biệt và quan trọng hơn đó là phần giám sát sau giải ngân và công tác báo cáo với Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ. Đây là khối lượng công việc khá lớn.
Nguồn tiền hỗ trợ này là từ Ngân sách Nhà nước nên công tác thực hiện phải rất chuẩn chỉ để tiền giải ngân phải đi vào đúng người, đúng việc, phải kiểm tra được, để đảm bảo chương trình không bị lạm dụng.