Vấn đề này được nêu lên tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường quản lý chất lượng giống cá Tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 18/8/2022.
Nỗi lo chất lượng con giống cá tra
Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước có gần 6.000 ha nuôi cá tra. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 7/2022 đạt hơn 129 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2022, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 860 nghìn tấn.
Sản phẩm cá tra đang được xuất khẩu sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trong tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra đạt 197 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế hết tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021.
"Dự báo đến năm 2025, nhu cầu cá tra giống chất lượng cao (sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh...) cần khoảng 2,5-3 tỷ con, do vậy, cần nâng cao năng lực sản xuất con giống trong thời gian tới".
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản thuộc Tổng cục thuỷ sản, cho biết hoạt động sản xuất cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, đáp ứng được vai trò giúp ngành cá tra chinh phục thị trường nhập khẩu. Giá bán cá tra thương phẩm hiện lên tới 29.500-31.000 đồng/kg, tăng 5.000-6.500 đồng/kg so với năm 2021.
Bên cạnh mặt tích cực, giá cá tra tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng ồ ạt nuôi trồng “ăn theo” khiến chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng cá tra.
“Bản thân “cái nôi” cá tra của đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với không ít thách thức: chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng thiếu ổn định; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá cá biến động liên tục”, ông Cẩn nói
Năm 2022, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 103 cơ sở nuôi cá tra bố mẹ sinh sản và 1.913 cơ sở ương dưỡng cá tra giống đang hoạt động. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang cùng với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống cá tra tập trung tại 2 tỉnh An Giang (350 ha) và Đồng Tháp (420 ha) theo hướng đồng bộ, khép kín, ứng dụng công nghệ cao.
Trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng cá tra bột và cá giống cung cấp ra thị trường lần lượt đạt khoảng 15,9 tỉ con và trên 2,2 tỉ con. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá bán cá tra giống hiện nay khoảng 35.000 đồng-40.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với năm 2021.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh Đồng Tháp có 76 cơ sở cho sinh sản và 1.104 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 950 ha. Diện tích sản xuất cá tra của Đồng Tháp chiếm trên 33% diện tích và gần 35% sản lượng của Đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay ngành cá tra của địa phương đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển, bao gồm chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm; liên kết chuỗi sản xuất còn lỏng lẻo; thiếu thông tin định hướng thị trường; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn nhiều khó khăn…
Cần thay thế, loại bỏ sử dụng HCG kích thích sinh sản
Đại diện Trường Đại học Cần Thơ thông tin rằng Trường này vừa chọn tạo và thuần hóa được các giống cá tra bố mẹ có khả năng chịu mặn, triển vọng có thể nuôi ở vùng nước lợ ven biển. Dự án đã tập hợp cá giống từ 3 trang trại ở các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và TP Cần Thơ, cho sinh sản chéo và tạo ra được khoảng 900 gia đình cá tra thế hệ G1.
Cá được tiến hành thuần hóa trong môi trường nước có độ mặn 10‰ trong hệ thống bể tuần hoàn. Sau 1 năm, cá tra thế hệ G1 tiếp tục được nuôi dưỡng ở nguồn nước có độ mặn 5‰ đến khi thành cá bố mẹ. Kết quả đánh giá cho thấy, cá tra chọn lọc phát triển tốt hơn cá tra nước ngọt, với môi trường độ mặn ở mức 5 và 10‰, cá tra chịu mặn tăng trưởng tốt.
"Trong khi đó, một số nước nhập khẩu cá tra thịt đòi hỏi truy xuất lịch sử sinh sản và ương nuôi cá. Họ yêu cầu không sử dụng một số chất, bao gồm HCG. Chính vì vậy, cần thay thế HCG bằng một số chất khác là cần thiết, bởi vừa giúp ứng phó được các yêu cầu mới do thị trường đặt ra, vừa tránh phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc".
Ông Trần Hữu Phúc, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II.
Từ góc độ khoa học kỹ thuật sản xuất cá tra giống, ông Trần Hữu Phúc đến từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, nêu vấn đề, hiện 100% các trại sản xuất cá tra giống đều sử dụng kịch dục tố HCG (Human Chorionic Gonadotropin) để thúc đẩy cá sinh sản. HCG được lựa chọn sử dụng nhiều nhất, bởi tỷ lệ rụng trứng của cá tra khi sinh sản nhân tạo đạt 100%. Đặc biệt, trước đây giá thành rẻ hơn so với các loại chất kích thích sinh sản khác.
“Tuy nhiên, nguồn nhập khẩu HCG từ Trung Quốc bị thiếu hụt dẫn đến giá tăng đột biến, nên đã tác động làm tăng giá cá tra giống được sản xuất ra, mà cụ thể trong quí 1 và 2/2022, giá cá tra giống đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Phúc cho biết nhiều trại sản xuất cá tra bột phản ánh chất lượng HCG không được đồng nhất giữa các nguồn cung cấp. Thậm chí, ngay trong cùng một nhãn hiệu của 1 công ty cũng không ổn định giữa các đợt sản xuất khác nhau. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng sinh sản ra cá bột và cá giống.
"Có thể thay thế HCG bằng não thuỷ thể; kết hợp não thuỷ thể với LH-Rha (Luteinzing Hormone- Releasing Hormone analog) và sản phẩm Ovaprim" ông Phúc đề xuất, đồng thời cũng lưu ý các kết quả thử nghiệm các giải pháp vừa nêu đều mới chỉ ở phạm vi nhỏ và rất hạn chế trong kiểm chứng ở điều kiện thực tế sản xuất. Do đó, cần được nghiên cứu một cách chi tiết hơn về liều lượng, các thông số kỹ thuật trước và sau khi rụng trứng cho từng đàn cá của từng cơ sở ứng dụng.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn và các doanh nghiệp chia sẻ nhiều ý tưởng để nâng cao hiệu quả, phát triển chuỗi ngành hàng cá tra. Các khuyến cáo tập trung vào vận hành chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ.
Cụ thể, cần quan trắc môi trường nước ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP...) để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện việc cấp mã số ao nuôi nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch.
Đối với khâu sản xuất con giống cá tra, các ý kiến cho rằng cần quy hoạch tập trung một khu vực sản xuất con cá tra giống; phải nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu. Cần tiếp tục triển khai Ðề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long”.