Lực cản tăng trưởng
Kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và gia tăng áp lực lạm phát. Sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa.
Ở trong nước, giá xăng dầu liên tiếp thiết lập mốc cao kỷ lục, nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đều tăng phi mã, tạo ra những trở lực không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, tạo áp lực lớn trong việc kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, chưa có dấu hiệu cho thấy giá nhiên liệu sẽ “hạ nhiệt”. Giá xăng dầu sẽ tác động tới lạm phát lớn hơn nữa trong thời gian tới, bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng rất mạnh đến chi phí đầu vào của nền kinh tế. Thực tế này là mối lo ngại lớn của tất cả các ngành sản xuất.
Mục tiêu lợi nhuận đạt 2.143 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm của Vicem có thể sẽ phải tính toán lại. Chúng tôi đang rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trong đó sẽ tính toán lại kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, toàn Tổng công ty đã tiêu thụ 11,9 triệu tấn xi măng, clinker (đạt 96,4% kế hoạch). Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt gần 9,2 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu 1,56 triệu tấn, tăng 2%; doanh thu đạt 15.700 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, do giá đầu vào tăng quá mạnh, nên dù doanh thu cao hơn nhờ điều chỉnh tăng giá bán xi măng từ đầu năm, nhưng lợi nhuận 5 tháng đầu năm của Vicem vẫn giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo tính toán của Vicem, giá xăng dầu thế giới và trong nước hiện đã tăng khoảng 45% so với thời điểm đầu năm 2022, kéo theo sự gia tăng của chi phí cước vận tải, logistics.
Giá than nhập khẩu trong tháng 5/2022 có thời điểm tăng lên 490 USD/tấn, nguồn cung rất khan hiếm. Cũng trong tháng 5, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có 2 lần tăng giá bán, còn giá than thương mại thì cao hơn giá than của TKV từ 700.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/tấn.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, dù giá bán xi măng đã được điều chỉnh, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp mức tăng của chi phí đầu vào. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tương tự, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 42,9% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 57,6% kế hoạch. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, nhu cầu dệt may bắt đầu giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp.
“Hiện phần lớn các đơn vị trong Tập đoàn mới ký đơn hàng đến hết tháng 8, có đơn vị ký đến tháng 10, nhưng non tải (chỉ đạt khoảng 30% năng lực). Chỉ một số ít đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm, nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng… Trong khi đó, dấu hiệu giảm tốc tiêu dùng hàng dệt may tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may đã lộ diện”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ.
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex phân tích, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho hàng may mặc giảm. Theo khảo sát, có tới 40% người dân Mỹ cho biết, họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho quần áo. Cùng với đó, chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng.
“Thách thức đối với ngành dệt may là nguyên liệu, nhiên liệu, lao động, vận tải đều tăng giá. Do hiện tượng “mua quá mức” trong quý IV/2021 và quý I/2022 gây ra áp lực dư thừa, nên đơn hàng trong quý III và quý IV/2022 bị cắt giảm. Đây là những chỉ dấu cho thấy, xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ khó khăn hơn”, ông Vương Đức Anh nói.
Co kéo để cân đối chi phí
Năm 2022 mới qua gần nửa chặng đường. Để hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp đang co kéo bằng nhiều giải pháp để giảm đến mức thấp nhất những tác động không mong muốn.
Với ngành dệt may, mục tiêu lớn là ưu tiên các biện pháp giữ ổn định lao động, linh hoạt chuyển đổi mặt hàng và mở rộng thị trường để bù lại sự sụt giảm từ thị trường Mỹ.
Ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ, Vinatex sẽ xem xét, điều phối hoặc cắt giảm thời gian sản xuất, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, trong thời gian chờ tìm kiếm các đơn hàng mới; tích cực đàm phán với khách hàng, tránh tình trạng hoãn, lùi đơn hàng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường thay thế Trung Quốc.
Với ngành xi măng, các doanh nghiệp cho biết, sẽ bám sát diễn biến tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để điều chỉnh tăng giá bán xi măng, clinker linh hoạt, phù hợp với thực tế thị trường để bù đắp tối đa phần chi phí sản xuất bị tăng thêm do than và nguyên liệu đầu vào tăng giá.
Thị trường tiêu thụ chính của ngành xi măng là nội địa, bởi vậy, các doanh nghiệp xi măng còn có thêm một mối lo lớn khi tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công bị chậm, tiêu thụ xi măng khó đạt kết quả như kỳ vọng.